Tác giả trẻ và độc giả tuổi teen - một thế hệ, một tiếng nói
Sáng ngày 18/4, tại phố sách Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Tác giả trẻ và độc giả tuổi teen - một thế hệ, một tiếng nói” do nhà sách Phương Nam, Linh Lan Books và phố sách Hà Nội tổ chức nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Như Sơ” của tác giả Việt Chi.
Tọa đàm “Tác giả trẻ và độc giả tuổi teen - một thế hệ, một tiếng nói” là hoạt động thuộc chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai” nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, chào mừng kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (01/5/2017 - 01/5/2024).
“Tác giả trẻ và độc giả tuổi teen - một thế hệ, một tiếng nói” có sự tham gia của 2 diễn giả: tác giả Việt Chi (đại diện cho đơn vị xuất bản) và nhà báo Hà Việt Anh - Lớp văn Hạnh Phúc (đại diện của người đọc mới). Dưới sự dẫn dắt của MC. Đức Anh, các diễn giả đã mang đến những cái nhìn sâu sắc và thú vị về cảm hứng văn chương của các bạn thiếu niên hiện nay và gợi ra xu hướng đọc - viết trong hiện tại và tương lai gần của thế hệ trẻ.
Trong hai năm trở lại đây, các tác giả văn chương ở độ tuổi dưới 25 xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều tác giả trong số ấy là những tác giả mới, nhưng rất thành công khi phát hành các tác phẩm đầu tay với số lượng hàng ngàn thậm chí hàng vạn bản in, thậm chí là dưới hình thức đầy thử thách như tiểu thuyết. Điều quan trọng, các tác giả và độc giả ấy ở cùng một lứa tuổi, họ chia sẻ chung một câu chuyện, một quan điểm.
Là một nhà văn thuộc thế hệ Gen Z và đã tạo được “dấu ấn” trong lòng độc giả với tiểu thuyết “Như Sơ”, Việt Chi chia sẻ, các tác giả trẻ như cô luôn nỗ lực không ngừng trong quá trình sáng tạo, khám phá nhiều thể loại khác nhau và đầu tư công sức nghiên cứu kỹ lưỡng các nguồn tư liệu để đem lại những tác phẩm chất lượng nhất. Đồng thời, việc giữ sự kết nối, tương tác với độc giả cũng rất được chú trọng, thông qua các hoạt động như mini game, các bài chia sẻ về tác phẩm hay quá trình thu thập tư liệu…
Chia sẻ tại talkshow, nhà báo Hà Việt Anh - Lớp văn Hạnh Phúc cho biết, thế hệ trẻ bây giờ rất mạnh dạn, họ dám nói dám chia sẻ và thể hiện “bản sắc riêng” theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác truyện, thơ, tiểu thuyết… Các tác giả trẻ cho thấy một tiềm năng sáng tác rất dồi dào cùng sự nỗ lực đầu tư chất xám, tinh thần, trí tuệ vào văn chương cùng các hoạt động truyền thông, để trở thành những nhà văn của thế hệ thanh thiếu niên mới, và một cách hết sức tự nhiên, họ đã tham gia vào hoạt động quảng bá, nâng cao văn hoá đọc cho thế hệ trẻ.
Tiểu thuyết “Như Sơ” được lấy cảm hứng từ cuộc hôn nhân của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương. Tên gọi Như Sơ được tác giả Việt Chi lấy cảm hứng từ câu thơ Trần Quang Khải đặt vào tay Phụng Dương công chúa trước lúc bà lâm chung: “Lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ” (Kiếp sau xin được làm vợ chồng như xưa)./.