Văn hóa – Di sản

Tọa đàm “Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ- Để ký ức luôn hồi sinh”

Tô Ngọc Oanh 20:15 12/04/2024

Sáng ngày 12/4, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức tọa đàm “Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để kí ức luôn hồi sinh” nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho công tác bảo quản, phục chế những tài liệu, tư liệu quý trong giai đoạn chuyển đổi số.

Tài liệu lưu trữ là một kho báu tri thức về mọi mặt của của tiền nhân, là ký ức của quốc gia và bản sắc của dân tộc. Việc bảo vệ an toàn và kéo dài “tuổi thọ” cho các tài liệu, tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm, sự biến động của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, cùng với việc bảo quản chưa đúng cách, cơ sở vật chất không đảm bảo… không ít tài liệu, tư liệu quý đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí mất mát.

a-nh-2.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh".
(Ảnh: TTLTQGI)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, bảo quản tài liệu là một nghiệp vụ quan trọng, có bảo quản tốt mới có thể phát huy tốt giá trị tài liệu. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, công tác bảo quản tài liệu cần xây dựng chiến lược phù hợp bám sát với tình hình thực tiễn, việc đầu tư đúng mức vào trang thiết bị, vật liệu và nhân lực có trình độ nên được lưu tâm.

a-nh-4-.jpg
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: TTLTQGI)

Theo đó, tọa đàm tập trung vào những vấn đề như: Thực trạng bảo quản tài liệu, tư liệu tại các Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử địa phương và các cá nhân, gia đình, dòng họ; Khó khăn, thuận lợi trong công tác bảo quản; Chia sẻ kinh nghiệm bảo quản, tu bổ tài liệu; Trao đổi, hỏi đáp về khả năng hợp tác, hỗ trợ hướng dẫn công tác bảo quản tài liệu, tư liệu; Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao công tác bảo quản, phục chế những tài liệu, tư liệu quý.

Chia sẻ về công tác bảo quản tài liệu lưu trữ trong bối cảnh chuyển đổi số, bà Luyện Thị Thu Thuỷ - Chuyên viên chính, Phòng Quản lý Văn thư Lưu trữ I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, công tác bảo quản càng trở nên quan trọng với các cơ hội rộng mở như: sử dụng các công nghệ mới về số hóa và hình ảnh, cải thiện khả năng tiếp cận của công chúng, đồng thời giúp mở rộng và nâng cao khả năng lưu trữ và xử lý thông tin và ngăn ngừa hư hỏng do tài liệu được xử lý thường xuyên. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức về chi phí cao cho việc bảo quản kỹ thuật số, tính pháp lý,...

a-nh-7-.jpg
Bà Luyện Thị Thu Thuỷ, Chuyên viên chính, Phòng Quản lý Văn thư Lưu trữ I trình bày tham luận về Bảo quản tài liệu lưu trữ trong bối cảnh chuyển đổi số. (Ảnh: TTLTQGI)

“Hiện nay, thế giới nói chung đã có nhiều thay đổi trong việc tiếp nhận các giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là các phương tiện, cách thức truyền tải thông tin. Chính vì vậy, những người làm công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ được công nhận là Di sản tư liệu cần tiếp cận và đổi mới các phương thức để được công chúng đón nhận nồng nhiệt hơn nữa”, ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV khẳng định./.

Tô Ngọc Oanh