Đời sống văn hóa

Lễ kỷ niệm Ngày sinh Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ

Duy Minh 11/04/2024 14:14

Sáng 11/4 (tức ngày 3/3 Âm lịch), quận Ba Đình tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm Ngày sinh Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ năm 2024.

img-4297.jpg
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày sinh của Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ là dịp để cán bộ và Nhân dân quận Ba Đình tiếp tục bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn.

Qua đó, lễ hội nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên và khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, quận Ba Đình “Thanh lịch - Văn minh - Hiện đại - Nghiêm túc, nghĩa tình”.

Được xây vào thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), đền Quán Thánh là một trong 4 đền thờ trấn giữ 4 cửa ngõ thành Thăng Long thời đó. Đền Quán Thánh trấn phía bắc (đền Bạch Mã trấn phía đông, đền Voi Phục trấn phía tây và đền Kim Liên trấn phía nam).

z5337281992286-13239635dda8adf4e917bfc1a502aad420240411125143.jpg
Rước lễ kỳ và quốc kỳ

Hằng năm, cứ đến ngày 3 tháng Ba và 9 tháng Chín Âm lịch, làng Yên Quang xưa (nay là phường Quán Thánh) tổ chức Lễ hội để tưởng nhớ, tri ân công lao của Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.

Đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là vị thần nhiều lần giúp dân nước Việt chống ngoại xâm, giúp An Dương Vương trừ ma khi xây thành Cổ Loa… Năm 1677 đời vua Lê Hy Tông, tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ bằng gỗ được thay bằng bức tượng cao gần 4 m, nặng 4 tấn bằng đồng. Đây là công trình điêu khắc độc đáo, kỹ thuật cao về đúc đồng và tạc tượng.

Theo sử liệu, ngôi đền được xây dựng vào những năm đầu vua Lý Thái Tổ 1010 sau 1 vài lần đổi tên thì đến đời vua Thiệu Trị (năm 1982), đổi tên thành Đền Quán Thánh như hiện nay. Vào năm 1962 đền được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia và đến ngày 18/01/2022, đền được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lễ hội năm nay được quận Ba Đình tổ chức với nhiều nghi thức trang trọng như Lễ cúng Thánh; nghi thức rước 14 mâm vật phẩm dâng Thánh của các địa bàn dân cư toàn phường Quán Thánh; nghi lễ rước và tuyên đọc thần tích; nghi thức đại tế của đội Tế nam quan; nghi thức dâng hương của đội nghi lễ dâng hương nữ...

“Tôi tin tưởng rằng, Lễ hội đền Quán Thánh quận Ba Đình sẽ trở thành sự kiện văn hoá, lễ hội thường niên của mọi người dân trên địa bàn phường Quán Thánh, quận Ba Đình, là điểm nhấn về du lịch tâm linh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, qua đó để lại dấu ấn đậm nét đối với du khách trong nước và Quốc tế”, ông Tạ Nam Chiến cho biết./.

Duy Minh