Sự kiện & Bình luận

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát “Hạc chầu Thiên Mụ”, dự lễ khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn và khởi công Cảng Vsico Huế

Hà Oai 20:37 07/04/2024

Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Thừa Thiên Huế khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương (TP Huế), dự lễ Khánh thành Nhà máy điện rác Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) và dự lễ khởi công Cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5).

Đi cùng đoàn công tác của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đến Thừa Thiên Huế còn có Bí thư Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng và lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thủ tướng khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương

Ngày 6/4, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương (TP Huế), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị phát huy tinh thần “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” và “vượt nắng thắng mưa” thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tăng cường giám sát thi công, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

435308863_726691422967780_5867117396116894801_n.jpg
Thủ tướng khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương.
435342992_726691532967769_698731193659177735_n.jpg
Công trường dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương.

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP Huế) thuộc tuyến đường vành đai 3 - trục giao thông chính xuyên tâm vào TP Huế và kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà - Hương Thủy với TP Huế. Dự án có tổng mức đầu tư 2.281 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương có dạng vòm thép dài 380m gồm 5 nhịp, rộng 43m, 6 làn xe (đường dẫn hai đầu dài 210m), đặc biệt có làn đi bộ rộng 3m.

Sau khi hoàn thiện, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP Huế) sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến QL1A và các tuyến qua trung tâm TP.Huế. Đồng thời, tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây TP Huế và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh.

Sau khi khảo sát và kiểm tra thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị khai thác hiệu quả giá trị của cây cầu mới, của dòng sông Hương và quỹ đất 2 bên bờ sông, tạo không gian phát triển mới, phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đêm sau khi hoàn thành.

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP Huế) dự kiến hoàn thành tháng 12/2025 có thiết kế kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng “Hạc chầu Thiên Mụ” mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất Cố đô linh thiêng.

Dự lễ khởi công Cảng Vsico Huế

Tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào chiều ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự lễ khởi công Cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5) do Công ty Cổ phần Hàng hải Visco đầu tư khoảng 1.678.715.000.000 đồng. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên chủ đầu tư, nhà thầu thi công và thực hiện nghi thức ấn nút khởi công Cảng Vsico Huế.

z5322299688287_cbe9660cd12f982c834fde9039674398.jpg
Văn nghệ chào mừng khởi công Cảng Vsico Huế.

Cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong đó có Cảng Vsico Huế được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar… kết nối với các nước châu Á và thế giới. Sở hữu vị trí đắc địa, Dự án cảng Vsico Chân Mây của Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 161/QĐ-KKTCN ngày 06/10/2022 có tổng diện tích 20,4 ha (chiều dài bến số 4, bến số 5 là 540m có khả năng tiếp nhận các tàu hàng lên đến 70.000 tấn và tàu container lên đến 4.000 TEUS).

Cụ thể, Cảng Vsico Huế sở hữu hệ thống băng tải kín với chiều dài 1,2 km cùng thiết bị hút rót với công suất xuất 2.000 tấn hàng/giờ và nhập 1.000 tấn hàng/giờ tại bến hàng rời, giúp nâng cao năng suất xếp dỡ, giải phóng tàu, giải phóng phương tiện đường bộ, tăng tốc độ luân chuyển hàng hóa trong cảng, giảm ách tắc, tiết kiệm chi phí xe vận chuyển và đảm bảo an toàn môi trường. Bến container được đầu tư hệ thống cẩu hiện đại với công suất xếp dỡ container lên tới 60 container/giờ với hệ thống kho bãi rộng lớn.

Cảng Vsico Huế đặt mục tiêu kế hoạch đến quý II/2025 đưa vào hoạt động Bến số 4 và đầu năm 2026 đi vào hoạt động Bến số 5, sản lượng thông qua cảng dự kiến 5.000.000 tấn hàng hoá xuất nhập khẩu mỗi năm, với các tàu container sản lượng thông qua cảng dự kiến 80.000 đến 100.000 TEUS mỗi năm. “Sau khi Cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5) đi vào hoạt động sẽ góp phần rút ngắn thời gian xếp dỡ tại cảng, giải phóng tàu nhanh chóng, rút ngắn khoảng cách vận chuyển, tăng sản lượng hàng hóa qua khu vực miền Trung, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường giao thương hàng hóa và nâng cao vị thế cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế”- ông Vũ Đức Huề - Tổng Giám đốc Điều hành Vsico chia sẻ.

Tại lễ khởi công, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Cảng Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây… hội đủ các điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như cả nước.

z5322299678937_8a4733f79ace8513eddfa539cc20185b.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại lễ khởi công Cảng Vsico Huế.
z5322299678818_42db0694c08603e3fc36f28772f8bdc8.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức ấn nút khởi công Cảng Vsico Huế.
z5322299681848_88753834e4ba19cb10901f721fde3d8f.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

“Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Cảng Chân Mây đã vượt công suất thiết kế 50% (năng lực thiết kế 4 triệu tấn/năm nhưng thực tế khai thác 6 triệu tấn/năm). Theo dự báo và quy hoạch đến năm 2025 phải phát triển từ 5 cầu cảng đến 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.930m, năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,8 triệu tấn. Do vậy, việc đầu tư xây dựng Cảng Vsico Huế (bến số 4 và số 5) là hết sức cấp thiết và là bước chuẩn bị kịp thời để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng gia tăng trong các năm tiếp theo” - ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.

Thủ tướng dự lễ Khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn

Cũng trong ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ Khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn có diện tích 11.234 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 74,555 triệu USD (bao gồm bãi chôn lấp tro bay) được cấp giấy phép xây dựng vào ngày 2/11/2021 và xử lý khoảng 220.000 tấn rác thải sinh hoạt, có thể cung cấp khoảng 93 triệu kilowatt giờ điện xanh mỗi năm.

Năm 2023 dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được Hội đồng An toàn Anh bình chọn là “Giải thưởng An toàn Quốc tế” và tháng 3/2024 Bãi chôn lấp của dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn được đưa vào sử dụng là bãi chôn lấp tro bay linh hoạt đầu tiên của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương biểu dương những nỗ lực của chủ đầu tư, chuyên gia, người lao động Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB và các nhà thầu đã tập trung mọi nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

435900523_726646989638890_4905760588571990711_n.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn nút khánh thành dự án Nhà máy điện rác Phú Sơn.
435671122_726647039638885_4198651986258242041_n.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan Nhà máy điện rác Phú Sơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nhà máy điện rác Phú Sơn là dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế và hoàn thành đưa vào vận hành đã tiếp nhận toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của 6/9 địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông với khối lượng phát sinh khoảng hơn 500 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ gần 90% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế) để xử lý theo công nghệ đốt phát điện thay cho công nghệ chôn lấp. Cùng với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” việc đưa vào vận hành nhà máy điện rác Phú Sơn sẽ tạo diện mạo mới về cảnh quan môi trường, cảnh quan đô thị và góp phần sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Hà Oai