Văn hóa – Di sản

Hoàn thiện hồ sơ để UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn

Việt Thương 07:51 04/04/2024

UBND tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu.

img_20240403090322.jpg
Công viên chính là nơi có hệ thống hóa thạch cổ sinh phong phú, cho thấy lịch sử sự sống trong hàng trăm triệu năm, với thời điểm xa nhất là 500 triệu năm trước... Ảnh: Công viên địa chất Lạng Sơn

Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT& DL) tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức Tọa đàm ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn. Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa việc xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO về xét công nhận CVĐC toàn cầu vào năm 2025.

CVĐC Lạng Sơn có địa hình chủ yếu là núi đá vôi và hang động karst, diện tích khoảng 4.842km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh Lạng Sơn).

Việc ký kết thỏa thuận đối tác CVĐC Lạng Sơn trong khuôn khổ sự kiện mở ra nhiều triển vọng cho Mạng lưới đối tác CVĐC Lạng Sơn. Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa việc xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, đáp ứng các tiêu chí của UNESCO về xét công nhận CVĐC toàn cầu vào năm 2025.

Tại Việt Nam, UNESCO công nhận 3 CVĐC toàn cầu, đó là: CVĐC toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang (năm 2010); CVĐC toàn cầu non nước Cao Bằng (năm 2018) và CVĐC toàn cầu Đắk Nông (năm 2020).

444-1-.jpg
Toàn cảnh Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: Công viên địa chất Lạng Sơn

Hiện nay, nước ta đã có một số công viên địa chất được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, song, Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều giá trị khác biệt.

Trước hết là giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan. Công viên chính là nơi có hệ thống hóa thạch cổ sinh phong phú, cho thấy lịch sử sự sống trong hàng trăm triệu năm, với thời điểm xa nhất là 500 triệu năm trước. Có những hóa thạch cho thấy trước đây Lạng Sơn từng là vùng biển.

CVĐC có những cảnh quan nổi tiếng như: Những dãy núi đá thấp trùng điệp bao quanh những thung lũng, bản làng ở xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); hang động là nơi cư trú người tiền sử như hang Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia)…

Về mặt văn hóa, Công viên có nhiều điểm thờ các vị trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ, nổi bật nhất là đền Bắc Lệ; những bản làng đồng bào Tày, Nùng... với những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, ẩm thực, trang phục…

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, hồ sơ CVĐC Lạng Sơn đã được trình lên UNESCO; đồng thời tỉnh Lạng Sơn cũng khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan, dự kiến cơ bản xong trong tháng 7-2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.

Còn theo Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn, được thành lập từ năm 2021, hiện CVĐC này có phạm vi ranh giới gồm 8 huyện, thành phố (Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, TP Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia, một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc).

Hiện nay, trong vùng công viên địa chất ở tỉnh này đã xây dựng được 4 tuyến tham quan với 38 điểm du lịch (nền tảng chính của các tuyến hiện nay vẫn tập trung chủ yếu vào khía cạnh tâm linh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ)./.

Việt Thương