Văn hóa – Di sản

Chu Văn An – bậc sư biểu của mọi thời đại và tấm gương cương trực

Vũ Tuấn Sán 27/03/2024 11:40

Chu Văn An quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội), một xã nằm trên bờ bên phải sông Tô Lịch, con sông cổ kính thành Thăng Long xưa.

Chính sử không ghi năm sinh của Chu Văn An mà chỉ ghi mất năm Canh Tuất (1370). Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử thông giám cương mục, Phượng Sơn từ chí lược... đều ca ngợi Chu Văn An, ngay từ hồi trẻ tuổi đã có tính cứng cỏi, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách.

chu-van-an-tt.jpg
Tượng thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Ông chọn một bãi đất trống thuộc làng Huỳnh Cung, trên cánh đồng giáp giới thôn Văn để mở trường dạy học. Học trò nhiều nơi đến học rất đông. Trong môn đệ có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát vẫn giữ lễ khi về thăm thầy, được thầy hỏi chuyện thì rất lấy làm mừng. Có những học trò cũ không tốt, ông thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho vào. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn uyên bác của ông được xa gần ca ngợi.

Uy tín ngày càng tăng của trường học thầy Chu trên bờ sông Tô Lịch, kề sát kinh thành Thăng Long đã vang dội đến triều đình. Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) đã mời Chu Văn An ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy thái tử học. Thái tử nói đây tức là em của Trần Minh Tông, tên là Vượng, sinh năm 1319, đến cuối năm 1328 được lập thành Đông cung thái tử, khi mới lên 10 tuổi.

Đối với giới sĩ phu hồi đó, một người nổi tiếng về đạo đức và tài học như Chu Văn An đã từng dạy nhiều học trò thành đạt, nay chịu rời bỏ cuộc đời hầu như ẩn sĩ của mình để nhận một chức giảng dạy ở Quốc Tử Giám, hành động ấy được coi như một sự kiện khá quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn hoá giáo dục đương thời. Bài thơ của Trần Nguyên Đán, một tôn thất sau này từng giữ chức Tư đồ, một nhà văn thơ nổi tiếng đời Trần, mặc dù không tránh được lối nói khuếch đại ở một bài chúc tụng, nhưng cũng thể hiện một phần nào niềm vui mừng và sự kì vọng của tầng lớp sĩ phu đối với việc Chu Văn An giữ việc giảng dạy ở ngôi trường lớn nhất trong nước:

Học hải hồi lan, tục tái thuần,

Thượng tường sơn đẩu đắc tư nhân.

Hoa Huân chỉ thị thuỳ y trị,

Tranh đắc Sào Do tác nội thần.

(Bể học xoay chiều sóng, phong tục trở về thuần hậu,

Trường lớn trong nước được thày dạy như Bắc Đẩu Thái Sơn.

Vua Ngiêu Thuấn chỉ ngồi rủ áo mà nước được thịnh vượng,

Là đã khéo được ẩn sĩ Sào Do ra nhận việc nội thần)

Chu Văn An làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám được ít lâu thì Minh Tông nhường ngôi cho thái tử Vượng, học trò ông. Vượng lên ngôi năm 1329, lúc đó 11 tuổi, lấy hiệu Trần Hiến Tông, trị vì được 12 năm, đến năm 1341 thì mất.

Sau khi Hiến Tông mất, thượng hoàng Minh Tông cho lập người con thứ hai của mình lên ngôi, tức Dụ Tông, lúc đó mới 6 tuổi. Trong giai đoạn đầu của vua này công việc không có gì vướng mắc. Nhưng Dụ Tông càng lớn lên, tính phóng đãng càng lộ rõ, việc cai trị ngày càng thối nát. Trong triều thì tên thầy thuốc Trâu Canh đã lợi dụng lòng tin của vua, sau khi đã chữa cho vua khỏi bệnh liệt dương, y đã thông dâm bừa bãi với cung nhân. Việc phát giác, tên Trâu Canh bị bắt. Chiếu luật thì y bị tội chết, nhưng rồi y lại vẫn được tha vào năm 1351. Trong nước, nhiều vụ đói kém, tỷ như vào năm 1354, đã dẫn đến nhiều cuộc nổi dậy của dân chúng. Ở miền Lạng Giang, Nam Sách, một người có tên là Tề cùng nhân dân trong vùng khởi nghĩa. Năm 1348, Ngô Bệ dấy quân vùng núi Yên Phụ (thuộc tỉnh Hải Dương hiện nay). Tình trạng càng thêm bi đát sau khi thượng hoàng Minh Tông qua đời năm 1357. Vào đúng tháng Giêng năm 1362, vua ra lệnh cho công hầu công chúa thi nhau dâng trò chơi, cho tổ chức hát tuồng. Ngoài ra Dụ Tông còn triệu tập các nhà giàu trong nước vào đánh bạc trong cung, sai tư nô trồng hành tỏi tại vườn tỏi phía bắc sông Tô Lịch, làm quạt đem đi bán nhằm thu lợi. Vua còn cho gọi những viên quan vào trong cung cùng uống rượu, say đến bị ốm, hoặc có lần đi thuyền nhỏ đến chơi nhà một viên quan ở mãi bên Mễ Sở (ở tả ngạn sông Hồng, nay thuộc Hưng Yên) khi về bị mất trộm cả ấn báu, gươm báu.

Dụ Tông thích chơi bời, lười việc chính sự, bọn quyền thần nhiều người làm trái phép. Chu Văn An can Dụ Tông không nghe bèn dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần đều là người quyền thế vua yêu, người bấy giờ gọi là sớ “thất trảm”.

Trong chế độ phong kiến, việc dâng sớ chỉ rõ tên những người hầu cân đang được vua tin dùng để xin trừng phạt là một hành động gan dạ, có cơ nguy hiểm đến tính mạng. Bản sớ sáng ngời chính nghĩa, nên vua không thể tìm cớ gì để bác bỏ, nhưng cũng không có đủ can đảm để thi hành. Nhận thấy Dụ Tông là người khó mà cảm hoá được, nên Chu Văn An đã “treo mũ ở cửa Huyền Vữ” (tức cổng Bắc của hoàng thành) rồi bỏ quan về quê, dựng nhà sách, lại tiếp tục dạy học. Sau đó ít lâu, ông ra chơi tỉnh Đông tức miền Hải Dương. Ông đến thăm làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Tại đây non nước rất đẹp, có núi “bảy mươi hai ngọn” gồm núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng, có suối nước ngọt, có ao Miết Trì (ao ba ba) với làn nước trong veo, có sông Thanh Lương uốn khúc. Mến cảnh đẹp ông đã làm nhà ở sườn núi Phượng để ở, lấy tên hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái núi). Những cảnh đẹp khắp vùng đều có dấu chân ông bước tới, và đều có thơ ngâm vịnh. Tuy vậy, ông vẫn chú ý đến việc nước. Mỗi khi có những buổi hội họp lớn trong triều, vua cho vời, ông không ngại đường xá xa xôi, lặn lội từ Chí Linh trở về kinh kỳ. Sử chép: “Dụ Tông muốn uỷ thác ông trông nom chính sự, ông từ chối không nhận”. Có lẽ vua có ý nài ép, muốn làm khó dễ, nên bà thái hậu Hiến Từ đã phải bảo: “Đối với kẻ sĩ có đức hạnh thanh cao, thiên tử không thể bắt làm bầy tôi được, sao có thể dùng chính sự sai khiến người ta làm?”. Hiến Từ thái hậu là mẹ Dụ Tông vốn người nhân hậu, thông tuệ. Nói câu trên, bà vừa biểu dương Chu Văn An, vừa có ý răn Dụ Tông, đối với người hiền không thể lấy uy của vua chúa mà cưỡng ép, cần tỏ ra có mức độ để người hiền vui lòng ra giúp việc. Mà đức độ của Dụ Tông thì chưa đủ để giữ được Chu Văn An ở lại trong triều. Để tỏ lòng mến phục, vua thường gửi tặng phẩm đến ông. Mỗi lần như vậy, ông nhận rồi lại đem cho người khác. Thiên hạ đều khen ông là người có khí tiết cao.

Năm 1369, Dụ Tông mất, nhường ngôi cho Dương Nhật Lễ là con nuôi của Cung Túc Vương Dực, anh ruột của Dụ Tông. Nhật Lễ sau khi lên ngôi vua, hoang dâm vô độ, giết thái hậu Hiến Từ (mẹ Dụ Tông), giết cha con thái tể Nguyên Trác, lại muốn đổi lại họ là họ Dương, tức là xoá hẳn cơ nghiệp nhà Trần, khiến triều đình và nhân dân không phục. Vương triều nhà Trần tưởng như tan rã. Cung Địng Vương Trần Phủ, con thứ ba của Minh Tông chạy ra ngoài cùng Trần Nguyên Đán khởi binh, đem quân về kinh sư, phế Dương Nhật Lễ rồi lên ngôi vua, tức Trần Nghệ Tông. Vua về tới kinh đô (tháng 11 âm lịch năm 1370) sắp xếp mọi công việc. Chu Văn An nghe tin lấy làm vui mừng, chống gậy đi từ Chí Linh đến kinh thành vào yết kiến. Lúc này tuổi ông đã cao, ít nhất cũng trên bảy mươi. Nghệ Tông muốn giữ ông ở lại để giúp việc. Trần Nguyên Đán, người đã có công lớn cùng với Nghệ Tông khởi binh chống Dương Nhật Lễ, bảo vệ xã tắc nhà Trần, nhân dịp này lại tặng ông một bài thơ trong đó có những câu biểu lộ mối kỳ vọng nồng nhiệt của triều đình và sĩ phu vào việc Chu Văn An rời bỏ cảnh đi ẩn, quay lại triều đình. Nhưng Chu Văn An đã từ chối. Ít lâu sau, ông bị ốm và mất ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370).

Sau khi được tin, vua đã cho quan đến làm lễ tế viếng đặt tên thụy là Văn Trinh. Trong bài văn bia ở đền Phượng Sơn (1840), danh nho Ngô Thế Vinh đã thích nghĩa rất sát hai chữ tên thụy này: “Văn, đức chi biểu dã; Trinh, đức chi chính cố dã” (Văn, là vẻ bên ngoài (thuần nhã) của đức, Trinh là tính chính trực kiên định của đức). Tên thụy “Văn Trinh” như vậy, nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: bên ngoài thuần nhã hiền hòa với bên trong chính trực kiên định. Ông còn được ban tên thụy là Khang Tiết tiên sinh, để so sánh ông với Thiệu Ung (1011 - 1077) đời Tống, một nhà Nho được Tống Thần Tông mời ra làm quan nhưng không chịu, chỉ ở nhà dạy học viết sách, khi chết được ban tên thụy Khang Tiết tiên sinh (Khang Tiết có nghĩa là yên vui ở tiết hạnh).

Ngoài ra, vua Trần còn cho ông một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức sau khi chết: được thờ theo ở Văn Miếu. Từ trước tại Văn Miếu chỉ thờ những hiền triết của đạo Nho ở Trung Quốc, Chu Văn An là người đầu tiên ở nước ta được đưa vào thờ (tòng tự) ở đây.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì Chu Văn An đã để lại mấy tác phẩm: quốc âm có Quốc âm thi tập, chữ Hán có Tứ thư thuyết ước và Tiều Ẩn thi tập.

Quốc âm thi tập nay không còn. Đây là một điều rất đáng tiếc vì tập thơ này là một trong những tác phẩm tiếng Việt xưa nhất được ghi trong sử sách.

Tứ thư thuyết ước gồm 10 quyển. Theo tên sách, đây là một cuốn biện luận giản ước về Tứ thư, tức về bốn cuốn sách kinh điển của đạo Nho (Đại học, Luận ngữ, Trung dung và Mạnh Tử). Sách này cũng không còn.

Tiều Ẩn thi tập gồm những bài thơ có lẽ hầu hết làm ở thời kỳ Chu Văn An lui về ẩn ở Chí Linh, lấy tên hiệu là Tiều Ẩn. Theo Nguyễn Bảo, tác giả sách Phượng Sơn từ chí lược thì thơ của Chu Văn An mãi đến thời Cảnh Hưng (giữa thế kỷ thứ XVIII) mới được Lê Quý Đôn ghi chép lại trong Toàn Việt thi lục được mười một bài. Mười một bài thơ nhưng phản ánh được khá rõ nét một tâm hồn lớn, yêu mến cảnh đẹp của đất nước, tuy đi ẩn nhưng vẫn thiết tha với vận mệnh non sông.

Chu Văn An đã đưa vào thơ ông rất nhiều cảnh đẹp. Đây là cảnh ánh mặt trời ban chiều chiếu vào rặng sau núi dội lại làm sáng dòng khe phía dưới:

Vạn điệp thanh sơn thốc họa hình,

Tà dương đảo quải bán khê minh.

(Linh Sơn tạp hứng)

(Muôn đợt núi xanh như bình phong vẽ,

Ánh chiều dội lại, sáng nửa dòng khe)

Cảnh chim và cá trong một đêm trăng:

Túc điểu phiên thanh lộ,

Hàn ngư dược bích khê.

(Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn)

(Chim tìm chỗ ngủ làm rớt hạt sương trong,

Cá gặp lạnh nhảy vọt trên khe biếc)

Thiên nhiên trong thơ Chu Văn An rất sinh động, và là một bức tranh tổng hợp trong đó cái nọ tác động đến cái kia, có lẽ cũng phản ánh một phần nào quan niệm của một nhà lý học coi muôn vật chỉ là một (vạn vật nhất thể).

Bích liên thảo sắc thiên như tuý,

Hồng thấp hoa sao lộ vị can.

(Xuân đán)

(Biếc liền sắc cỏ trời như say,

Hồng ướt ngọn hoa sương vẫn đượm)

Một ý thơ khác:

Trào hồi giang địch quýnh,

Thiên khoát thụ vân đê.

(Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn)

(Ngọn trào lui, tiếng sao trên sông vọng đi xa,

Vòm trời rộng, mây phủ chòm cây sà xuống thấp)

Cũng như phần lớn thơ Á Đông, thơ Chu Văn An thường mượn cảnh để tả tình. Qua những hình ảnh thiên nhiên ta thấy cả tâm hồn rộng lớn và cao thượng của nhà thơ: Cảnh ao ba ba (miết trì) đã khiến ông liên tưởng đến thời cục thiếu vua sáng suốt để cho bọn tiểu nhân hoành hành, và đau xót nhớ công đức của vua cũ:

Ngư du cổ chiểu long hà tại,

Vân mãn không sơn hạc bất quy.

(Miết trì)

(Cá dong bơi ao cũ, rồng đâu tá,

Mây phủ kín non trơ, hạc chẳng về)

Đó là những câu thơ phản ánh cách nhìn và cảm nghĩ của một tâm hồn lớn, vượt lên trên những dục vọng tầm thường về danh lợi, lúc nào cũng nghĩ đến non sông đất nước, và chăm sóc sửa mình dạy người để đóng góp phần xứng đáng nhất của mình vào sự nghiệp chung.

Ngoài ba tác phẩm trên, Chu Văn An còn có bài Thất trảm sớ nổi tiếng, đáng tiếc không truyền lại được câu nào.

Theo sự nghiên cứu gần đây của ông Lê Trần Đức ở Viện Đông y thì Chu Văn An còn là một nhà Đông y “đã biên soạn quyển Y học yếu giải gồm lý luận cơ bản Đông y, chẩn đoán biện chứng luận trị bệnh án”, trong đó ông “đã vận dụng nguyên lý Đông y một cách sáng tạo” (Chu Văn An và Y học yếu giải – 1976).

Suốt cả cuộc đời, Chu Văn An dành cho nghề dạy học, hồi còn trẻ thì mở trường dạy học ở quê nhà, khi được vời ra kinh sư thì dạy ở trường Quốc Tử Giám, khi bỏ quan thì lại mở trường ở quê nhà và khi đi ẩn ở núi Phượng Hoàng thì vẫn tiếp tục dạy học.

Ông là một người thầy lỗi lạc, tự lấy mình làm gương mẫu trong việc học tập tu dưỡng và xử thế để cảm hoá học trò. Sử thường chép về tính nghiêm nghị của ông, nhưng đức tính này không chỉ khiến học trò sợ, mà căn bản đã gây được lòng mến phục, khiến cho những người sau này dù đã thành đạt vẫn tự thấy có nhiệm vụ và vui sướng được về thăm thầy học cũ để học thêm lời giáo huấn.

Có một truyền thuyết dân gian kể rằng: khi Chu Văn An mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, có nhiều học trò từ xa đến học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Ông thẫm khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu, bèn cho người đi dò xem thì thấy người ấy cứ đến khu Đầm Đại thì biến mất. (Đầm Đại là khu đầm rất lớn hình chiếc vành khuyên nằm giữa các làng Đại Từ, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung, còn làng Linh Đàm ở trên cái bán đảo lọt vào giữa). Ông biết đó là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong, ông tụ tập các học trò lại, hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân. Người học trò kỳ lạ, trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận, và nói với thầy: “Con vâng lời thầy dạy là trái lệnh thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”... Sau đó người này ra giữa sân, lấy nghiêm mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn mực lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương, sai học trò làm lễ an táng. Nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ. Hiện nay vẫn còn có mộ thần, tương truyền là một cái gò nổi lên giữa một ngòi nước giáp làng Thanh Liệt với làng Hữu Lễ, huyện Thanh Oai. Và theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném xuống, đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực, ở địa phận làng Quỳnh Đô cùng huyện. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai và đã biến làng này thành một làng văn học, quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nhạ, ...

Như vậy, truyền thuyết đã cho việc giảng dạy của Chu Văn An có một sức mạnh lạ kỳ, khiến thuỷ thần cũng phải lên trần tìm đến học. Truyền thuyết cũng cho thấy Chu Văn An đã nêu cao tinh thần “hữu giáo vô loại” của đạo Nho, không từ chối việc dạy dỗ đối với bất kỳ một loại người nào, miễn là thực sự có ý muốn học tập, và sức cảm hoá của ông đã sâu sắc đến mức khiến người học trò thuỷ thần này đã vui lòng hy sinh cả thân mình để làm mưu cứu dân.

Ngoài những đức tính của người thầy gương mẫu, Chu Văn An còn nêu cao tiêu chuẩn đạo đức của một người trí thức ở thời đại cũ. Các nhà viết sử đều nhấn mạnh điều này. Lê Quý Đôn, khi chép về Chu Văn An, không nói tới sự nghiệp giáo dục của ông, chỉ nêu cao việc dâng sớ xin chém nịnh thần và cáo quan về nhà, rồi kết luận: “Đây là bậc thanh cao nhất”. Chu Văn An đã chống lại khuynh hướng đồi bại đương thời bằng thái độ cứng cỏi trước sau như một của mình: sửa mình cho nghiêm ngặt, dạy người thật nhiệt tình, dám nói thẳng để khuyên can vua và bất cứ ở hoàn cảnh nào, dù ở nhà dạy học, dù ra làm quan hoặc bỏ về ở ẩn, lúc nào cũng tự tạo những điều kiện thuận lợi để giúp ích cho đời.

Bằng nghị lực và cuộc đời gương mẫu của mình, ông không những đã cảm hoá được học trò của mình mà còn tác động được giới nho sĩ và quý tộc đương thời, ngay cả đối với những kẻ sa đoạ, ít nhất cũng khiến chúng phải kiêng nể, e dè.

Ngôi đình thờ ông ở quê hương Quang Liệt vẫn đang treo cao đôi câu đối Nôm như sau:

Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho phường mại quốc

Lục kinh tro chửa nguội, bảng huỳnh treo khắp chốn danh hương

Ở câu đối này, vế trên nhắc tới sớ chém bảy kẻ lộng thần mà nhà sử học Lê Tung cho rằng “nghĩa khí kinh động cả quỷ thần”. Vế dưới nói tới nếp hiếu học trong làng vẫn “sôi kinh nấu sử” và noi gương dạy học sáng ngời của ông.

Chu Văn An tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc, ý thức trau dồi cái học chân chính đắc dụng nhất, quyết tâm chăm lo sửa mình và dạy người, dù trong hoàn cảnh nào cũng không quên nhiệm vụ của mình đối với dân, với nước./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Vũ Tuấn Sán