Văn hóa – Di sản

Trần Nghệ Tông – hoàng đế, hiền nhân thời vãn Trần

Nguyễn Hữu Sơn 28/03/2024 11:39

Trần Nghệ Tông (1321 - 1395), tên thật là Trần Phủ, con thứ ba Trần Minh Tông và vị vua thứ bảy triều Trần. Ông ở ngôi 3 năm, nhường ngôi 27 năm, thọ 74 tuổi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư khái quát: “Vua dẹp yên được tai họa bên trong, khôi phục lại cơ đồ to lớn. Công nghiệp lớn lao, sáng lòa vũ trụ. Song cung kính kiệm ước thì có thừa mà cương nghị, quyết đoán lại không đủ, bên ngoài thì quân giặc xâm phạm kinh kỳ, bên trong thì gian thần ngấp nghé ngôi báu. Xã tắc suy mòn rồi đến diệt vong”...

tran-nghe-tong.jpg
Hình minh họa vua Trần Nghệ Tông.

Cả cuộc đời Trần Phủ cũng như lịch sử đất nước đương thời đều thuộc về giai đoạn vãn - mạt Trần, phức tạp và đầy biến động. Dưới thời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), ông giữ chức Hữu Tể tướng, tước Cung Định Vương. Khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi (tháng 6-1369 đến tháng 10-1370), ông phải chạy lên vùng núi Đà Giang (Hòa Bình). Khi lên ngôi, trước hết ông khôi phục lại luật lệ theo tiên đế Trần Minh Tông và nhấn mạnh: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo qui chế của nhà Tống là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Trị (1358-1369), bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, âm nhạc,... thật không kể xiết”. Chỉ một thời gian ngắn, tháng 3 nhuận năm sau, nhân chính sự Đại Việt rối ren, quân Chiêm Thành thừa cơ đánh vào thành Thăng Long, Nghệ Tông phải đi thuyền chạy sang vùng Đông Ngàn (Kinh Bắc). Từ đây đến cuối đời, Nghệ Tông còn phải nhiều lần chứng kiến việc quân Chiêm Thành vào đánh phá, gây rối biên cương. Ngay sau đó, do người em có công lớn trong việc khôi phục đất nước nên vào tháng 11, Nghệ Tông nhường ngôi cho em (Duệ Tông), bản thân lui về làm Thượng hoàng. Chỉ bốn năm sau, Duệ Tông lại chết trận khi đi đánh Chiêm Thành (1377). Nghệ Tông cho lập con trưởng của Duệ Tông lên làm vua, hiệu Phế Đế. Phế Đế ở ngôi 12 năm, bản tính nhu nhược, xã tắc lung lay. Khi đó Nghệ Tông lại nghe theo Hồ Quý Ly giáng chức và ép Phế Đế phải chết, rồi đưa con út của mình lên ngôi, hiệu Thuận Tông, ở ngôi 9 năm. Suốt thời gian này, uy thế Thượng hoàng Nghệ Tông ngày càng sút kém trước áp chế của Hồ Quý Ly. Chắc chắn ở chặng cuối cuộc đời, Nghệ Tông đã hiểu ra nguy cơ vương triều Trần rồi sẽ rơi vào tay Hồ Quý Ly. Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể việc ông chiêm bao thấy Duệ Tông đem quân đến và đọc bài thơ:

Trung gian duy hữu xích chi hầu,

Ân cần tiếm thượng bạch kê lâu.

Khẩu vương dĩ định hưng vong sự,

Bất tại tiền đầu tại hậu đầu.

(Ở giữa chỉ có loài mỏ đỏ,

Lăm le lẩn lên lầu gà trắng.

Khẩu vương đã định việc hưng vong,

Không ở trước mà ở về sau)

Nghệ Vương bị ám ảnh bởi thế lực họ Hồ, chiết tự câu chữ, “suy nghĩ về giấc chiêm bao này lung lắm, nhưng thế không thể làm gì được nữa”...

Đặc biệt vào năm cuối đời, Nghệ Tông từng gọi Hồ Quý Ly vào cung và nhún nhường bảo: “Bình chương là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua”. Sau này sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bình: “Nghệ Tông tính trời hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ. Nhưng uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài, sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm, có một Nguyên Đán mà không biết dùng, lại giao việc nước cho người họ ngoại, khiến xã tắc nhà Trần đi đến sụp đổ, thực là đằng trước có kẻ siểm nịnh mà không thấy, đằng sau có giặc cướp mà không hay”...

Không chỉ được ghi chép trong sách sử, Trần Nghệ Tông còn là nhân vật trong tác phẩm văn học. Truyện ký Nam Ông mộng lục chép:

“Trước đây, nhân nước ta rối loạn, Chiêm Thành mấy lần đến cướp. Duệ Vương lên ngôi được ba năm bèn thân chinh đánh Chiêm Thành, bị trua không trở về. Nghệ Tông đưa con của Duệ Vương là Nghiễn lên nối ngôi. Sau Nghiễn nghe bọn gian thần, làm việc vô đạo. Nghệ Vương lo xã tắc nghiêng đổ, khóc lóc mà phế đi, gọi là Linh Đức công, rồi đưa con út của mình là Ngung vào nối ngôi. Đó là Thuận Vương. Sau bảy năm thì phụ vương qua đời, bấy giờ là năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Vũ thứ 27, an táng tại núi An Sinh, thụy là Nghệ Vương.

Ngày trước, khi Nghệ Vương còn nhỏ, khoảng tám, chín tuổi, theo hầu Minh Vương. Lúc đó trên giường có có chiếc giát bằng trúc, Minh Vương thử lệnh cho Nghệ Vương vịnh. Nghệ Vương bèn ứng khẩu vịnh:

Hữu vĩ thử quân,

Trung không ngoại kính.

Tước nhĩ vi nô,

Khủng thương thiên tính.

Ưu Đàm Nguyễn Đăng Na dịch thơ:

Nàng có công lớn lao,

Trong rỗng mà ngoài cứng.

Ép nàng làm trúc nô,

E tổn thương thiên tính.

Minh Vương lấy làm lạ, vờ mắng rằng: “Bài này chẳng ra gì, chớ có ghi chép lại”. Rồi răn thầy dạy Nghệ Vương: “Không được cho Nghệ Vương làm thơ. Người quân tử bảo: Thiên mệnh hữu triệu, thùy năng ngự chi (Mệnh trời đều có điềm báo, ai ngăn nổi)”. Sau Nghệ Vương quả như vậy. Khi đã lên ngôi, Nghệ Vương thu hết con cái, cháu chắt bị mồ côi của các anh chị đem về cung nuôi dưỡng, coi như con cháu mình, khiến gia tộc xa gần đều được ơn thương đến. Những người nghèo khó lam lũ sau cơn tao loạn không thể lấy vợ lấy chồng được thì dựng vợ gả chồng cho; ai chết chưa kịp chôn thì chôn cất cho. Những họ hàng mà chưa biết mình thuộc chi phái nào thì đều lượm lặt ghi chép lại, khiến họ được ở trong họ hàng như mùa xuân đầm ấm.

Người trong nước thì được ngài giáo hóa, phong tục dần dần trở nên thuần hậu. Vương của nước này là bậc vua hiền chăng?”

Về sự nghiệp văn học, Trần Nghệ Tông từng soạn Hoàng huấn, Đế châm, Bảo Hòa điện dư bút nhưng đều thất truyền. Hiện chỉ còn 5 bài thơ do Phan Phu Tiên và Chu Xa chép trong Việt âm thi tập (1459) và các sách Nam Ông mộng lục, Đại Việt sử ký toàn thư...

Vào năm Kỷ Dậu (1369), khi đang giữ chức Hữu tướng quốc, ông có làm bài thơ tiễn sứ Ngưu Lượng nhà Minh về nước:

An Nam lão tể bất năng thi,

Không bả trà âu tống khách qui.

Viên Tản sơn thanh, Lô thủy bích,

Tùy phong trực nhập ngũ vân phi.

Dịch nghĩa:

Tể tướng già An Nam chẳng hay thơ,

Luống đem chén trà tiễn khách ra về.

Núi Tản Viên sắc xanh, sông Lô màu biếc,

Cùng theo gió bay thẳng vào đám mây năm sắc.

Bản dịch thơ theo sách Thơ đi sứ:

Lão Tể nước Nam thơ chẳng hay,

Chén trà tiễn khách buổi chia tay.

Sông Lê núi Tản màu xanh biếc,

Theo gió bay vào năm sắc mây.

Bài thơ nhẹ nhàng, hoa mỹ, có phần khiêm nhường nhưng không quá đề cao đối phương, khiến sứ thần nước lớn khó có thể chê trách, trước sau chỉ nhằm giữ tình hòa hiếu bang giao.

Bài thơ Hạnh Gia Hưng trấn ký đệ Cung Truyện Vương (Đến trấn Gia Hưng, gửi cho em là Cung Tuyên vương) được viết cuối năm 1370, khi đang gấp rút chuẩn bị chống lại Nhật Lễ, đã tỏ rõ ý chí khôi phục miếu đường, lập lại cơ nghiệp nhà Trần. Tiếp theo là bài thơ Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán từ đường (Đề nhà thờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán) và bài Côn Sơn Thanh Hư động bi minh (Bài minh khắc vào bia động Thanh Hư ở Côn Sơn) thuộc loại thơ ca tán thán công đức người đã khuất, đặc biệt ở đây lại là Trần Nguyên Đán - một quan đại thần, một bề tôi và cũng là một người trong hoàng tộc.

Trần Nghệ Tông sống ở kinh đô Thăng Long nhưng ông vẫn thường về quê hương Thiên Trường và thăm nơi cảnh chùa đất Phật. Một lần đến thăm chùa Báo Ân ở Siêu Loại thuộc trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội), ông có bài thơ Đề Siêu Loại Báo Ân tự (Đề chùa Báo Ân ở Siêu Loại):

Hồng kiều khóa thủy đoạn nhân huyện,

Vạn khoảnh liên ba giáp tự môn.

Phong đệ điểu thanh lâm giác tĩnh,

Nhật sư trúc ảnh địa vô ngân.

Nhị Hương điện thượng kim dung xán,

Cam Lộ đường trung pháp tọa tôn.

Tự hận nhi tôn tham bão noãn,

Bất tùy xung mật báo thâm ân.

Dịch nghĩa:

Cầu vồng vượt qua nước cách hẳn sự huyên náo,

Hàng muôn lớp sóng ngay sát cửa chùa.

Gió cuốn tiếng chim đi trong rừng yên lặng,

Trúc che mặt trời dưới đất không thấy vệt.

Trên điện Nhị Hương kim dung rực rỡ,

Trong nhà Cam Lộ pháp tọa tôn nghiêm.

Tự giận con cháu chỉ tham no ấm,

Không theo tình nặng để báo đáp ơn sâu.

La Sơn Nguyễn Hữu Sơn dịch thơ:

Cầu vồng mấy nhịp cách trần duyên,

Muôn sóng ào lên đến cửa thiền.

Gió cuốn tiếng chim rừng tĩnh lặng,

Trúc che vạt nắng đất vô biên.

Nhị Hương tượng Phật lung linh sáng,

Cam Lộ tòa ngang mấy nếp nghiêm.

Khá giận đàn con tham ấm mãi,

Chẳng theo tình nặng báo ân thiên.

Ngoài ra Trần Nghệ Tông còn có bài thơ tứ tuyệt Vọng Đông Sơn Liễu Nhiên am (Trông am Liễu Nhiên ở Đông Sơn) đều thể hiện rõ cảm quan Phật giáo, tinh thần hòa đồng với thiên nhiên và thấp thoáng những suy nghiệm về giới hạn đời người trước cái vô cùng của vũ trụ, thời gian, gợi mở một cái nhìn nhân văn về con người.

Nghiệm sinh 74 năm trên cõi đời, từng làm quan, làm vua, làm Thượng hoàng và bốn lần chứng kiến, tham dự, chỉ đạo các cuộc thay đổi ngôi vua, Trần Nghệ Tông quả là ông vua từng trải, có khát vọng xây dựng đất nước thanh bình nhưng lực bất tòng tâm. Vận nước thời vãn - mạt Trần đã đẩy ông đến đường cùng, không cho ông đủ sức gượng dậy. Những cố gắng mở khoa thi, đào tạo nhân tài, khôi phục luật lệ, đấu tranh ngoại giao, đánh dẹp phương Nam rút cuộc đều không thành. Lịch sử dân tộc ghi nhận Trần Nghệ Tông như một tấm gương yêu nước, nhân nghĩa và ngọn lửa cuối cùng của vương triều Trần. Chỉ sau khi ông qua đời 5 năm, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần và chính thức lên ngôi Hoàng đế (1400). Triều đại nhà Trần vàng son đã lui vào quá khứ. Lịch sử dân tộc đã chuyển sang trang mới.../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Hữu Sơn