Đề xuất công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi dự kiến bổ sung quy định độ tuổi công chứng viên đến 70 tuổi, song nhiều ý kiến cho rằng quy định này có thể gây lãng phí khi tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay là 74 tuổi.
Sáng 1.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến dự án luật Công chứng sửa đổi. Một trong những chính sách mới được bổ sung tại dự thảo luật sửa đổi lần này, theo báo cáo được Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long trình bày tại hội nghị, là quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.
Theo ông Long, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp.
Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề.
Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển.
Cạnh đó, một số quy định về trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp.
"Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết", ông Long nói.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên.
Ông Ngô Trung Thành cũng cho hay, liên quan vấn đề này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị quy định giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là không quá 65.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy định về độ tuổi được thực hiện hoạt động công chứng của công chứng viên vì có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ý kiến này cho rằng công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo luật giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí xã hội.
Từ đó, đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề nhất định nhưng phải trên 70 tuổi (thay vì giới hạn 70 tuổi).
Theo ý kiến này, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức và kỹ năng hành nghề công chứng, nếu dự thảo luật giới hạn cứng nhắc độ tuổi hành nghề sẽ gây lãng phí. Do đó, nhóm ý kiến này đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên.
Cũng trong dự luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại giấy tờ.
4 loại giấy tờ được cắt giảm là: giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo/bồi dưỡng nghề, giấy chứng nhận đạt kết quả kiểm tra tập sự, bằng cử nhân luật và phiếu lý lịch tư pháp.
3 loại giấy tờ được giữ lại là đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe.
Bộ trưởng Lê Thành Long giải thích quy định này nhằm thực hiện chủ trương, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giảm tải thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính.
Cơ quan thẩm tra cho rằng các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên nhằm xác nhận việc đáp ứng các yêu cầu về nội dung, điều kiện bổ nhiệm, nên cần làm rõ nếu trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên không có các giấy tờ nêu trên, việc kiểm soát điều kiện bổ nhiệm công chứng viên được thực hiện thông qua phương pháp nào.
Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi được xây dựng có 10 chương, 79 điều, trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm 11 điều và bổ sung 9 điều mới.
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đồng thời đây là loại hình dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu và cơ bản, nguyên tắc là Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, còn địa phương thực hiện chức năng quản lý theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Quy hoạch đã bỏ quy hoạch về sản phẩm dịch vụ, hàng hóa nên Chính phủ phải có chiến lược, định hướng phát triển trong từng giai đoạn, bộ quản lý phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thì địa phương có căn cứ làm.
“Trong này có nói tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhưng chưa rõ ai ban hành. Đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ. Chính phủ ban hành chiến lược, định hướng chung. Bộ Tư pháp phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập văn phòng hành nghề công chứng. Bỏ quy hoạch không có nghĩa không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Dự thảo Luật cấm công chứng viên tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự. “Thông tin trên văn bản công chứng liên quan nhiều bên, mà Bộ luật Dân sự có nguyên tắc bí mật riêng tư không được xâm phạm. Giờ người yêu cầu công chứng đồng ý là tiết lộ thì quyền của người liên quan thế nào?” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi./.