Gìn giữ và phát huy di sản điện ảnh ở Việt Nam
Điện ảnh từ lâu đã được coi như một di sản văn hóa của đất nước, phản ánh sự phát triển của xã hội, ghi dấu ấn của những thời kỳ lịch sử và những thay đổi trong tư duy của con người qua từng thời đại. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng toàn cầu hóa không ngừng mở rộng, việc gìn giữ và phát huy di sản điện ảnh cần được chú trọng hơn bao giờ hết.
Điện ảnh - một phần của di sản văn hóa
Không thể phủ nhận rằng, nếu không có điện ảnh, chúng ta sẽ không thể hiểu rõ và cụ thể về các sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Không có điện ảnh, chúng ta sẽ không thể đồng cảm với nỗi đau của những người đã trải qua nhiều bi kịch của chiến tranh, của dịch bệnh... Nếu không có phim, chúng ta sẽ không thể được đắm chìm trong bầu không khí lịch sử của một quốc gia, một thời kỳ. Những cuộn phim cổ, những thước phim cách đây hàng chục năm đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ, về di sản văn hóa của một dân tộc.
Dù thời lượng chỉ tính bằng giờ, nhưng điện ảnh có khả năng tái hiện lại gần như toàn bộ một xã hội, một giai đoạn lịch sử của loài người mà thời gian có thể đã làm mờ dần. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi chúng ta thấu hiểu đúng về vai trò quan trọng của điện ảnh. Bởi không chỉ là một loại hình nghệ thuật, điện ảnh còn là một phần của di sản văn hóa toàn cầu, một phần không thể thiếu của lịch sử con người.
Vì vậy, vấn đề lưu trữ, bảo vệ, phục hồi và tái sử dụng nguồn dữ liệu phim ảnh - nghe nhìn được đặt ra cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đối với di sản điện ảnh dường như mới chỉ dừng ở bảo tồn, lưu trữ, còn phát huy và tái sáng tạo di sản này chưa được chú trọng. “Những bộ phim được lưu trữ là vàng, nhưng chúng bị chôn vùi quá sâu”, đây là những lời chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Như Vũ - nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương.
Thực trạng lưu trữ di sản điện ảnh ở Việt Nam
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Viện phim Việt Nam (VFI) và Hội đồng Anh trong khuôn khổ dự án “Di sản Quá khứ - Tương lai”, năm 2020 một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện phim đã thực hiện cuộc khảo sát về tình trạng các kho lưu trữ phim do Chính phủ quản lý tại Hà Nội. Mục đích của cuộc khảo sát là thu thập thông tin thực tế về lưu trữ, số hóa và phục hồi dựa trên kỹ thuật số của các bản in phim tương tự.
Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có hai trong số các cơ quan lưu trữ - VFI và DSF (Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương) - đã tiến hành kiểm tra và đánh giá kỹ lưỡng tình trạng kỹ thuật của các bản in trong kho của họ. Nhìn chung, số lượng bản in tương tự hiện được lưu trữ ở Việt Nam là khá đáng kể (khoảng 130 nghìn cuộn). Các tổ chức chịu trách nhiệm lưu trữ những bộ phim này nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản này đối với đất nước và người dân.
Tuy nhiên, quy trình lưu trữ và bảo quản rất khác nhau giữa các kho lưu trữ phim của Việt Nam. Bên cạnh những doanh nghiệp có khả năng phát triển kho lưu trữ chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng lắp đặt các thiết bị lưu trữ chuyên dụng và thậm chí phải lưu trữ các bản in trong các văn phòng thông thường - cùng với các tài liệu nghe nhìn khác - ở nhiệt độ phòng và độ ẩm cao, do vậy làm hỏng đáng kể các bản in. Đồng thời, một số tài liệu lưu trữ in trong môi trường quá lạnh mà không có phương tiện rã đông phù hợp, gây ra hiện tượng co rút quá mức và dễ gãy. Người ta cũng quan sát thấy việc sử dụng bừa bãi các hộp đựng phim dưới tiêu chuẩn và đây là một vấn đề vì vật liệu và kích thước của hộp đựng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của bản in phim.
Đáng buồn là tình trạng hư hỏng phim lưu trữ tại kho phim của Hãng phim truyện Việt Nam được dư luận và báo chí quan tâm thời gian vừa qua. Do hỏng hệ thống điều hòa một thời gian dài, hơn 300 phim lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam bị mốc, bết dính. Kho lưu trữ cũng rỉ sét, bụi bẩn bám kín.
Trước thực trạng đó, bên cạnh sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, một số tổ chức và cá nhân đã có những ý tưởng và hành động thiết thực để cùng góp phần bảo tồn di sản điện ảnh ở Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là nỗ lực và sáng kiến của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người luôn tâm huyết, trăn trở với di sản điện ảnh. Chị đã tổ chức một buổi tọa đàm mang tên “Điện ảnh mà là di sản á?” thu hút đông đảo công chúng quan tâm. Đồng thời, chị cùng một nhóm các nhà làm phim và chuyên gia điện ảnh đã khởi xướng dự án “Bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế thí điểm phim truyện nhựa kinh điển Việt Nam”. Dự án này nhằm mục đích bảo tồn di sản điện ảnh thông qua việc thực hiện các hoạt động cụ thể như phục chế phim nhựa và số hóa chất lượng cao. Ngoài ra, dự án cũng nhằm đến việc thiết lập và chuẩn hóa quy trình phục chế và số hóa di sản điện ảnh. Đây là một nỗ lực thiết thực để bảo vệ một phần di sản đang gặp nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng. Dự án có mục tiêu là đưa vẻ đẹp nguyên bản của di sản điện ảnh Việt Nam đến với công chúng yêu thích phim cả trong nước và quốc tế.
Một số giải pháp bảo tồn và phát huy di sản điện ảnh
Cần phải có cơ sở hạ tầng nào để đảm bảo những viên ngọc quý trong di sản hình ảnh động của chúng ta góp phần vào sự phát triển sáng tạo và toàn diện trong nước, để mang lại lợi ích cho một bộ phận rộng lớn hơn trong xã hội? Làm thế nào để năng lượng và niềm đam mê của thế hệ trẻ được gắn kết và khuyến khích thông qua di sản điện ảnh của một quốc gia? Đó là những trăn trở, đau đáu của biết bao “người trong cuộc”.
Trước hết, cần tăng cường nguồn lực cho việc lưu trữ phim. Kinh phí cấp cho các cơ quan, đơn vị hoạt động bảo quản phim thường không cao. Ngoài ra, Việt Nam mới hoàn thành quá trình chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số, đòi hỏi các tổ chức phải đầu tư mạnh vào cả thiết bị số và đào tạo số; đồng thời, nhiều tổ chức điện ảnh trong giai đoạn tư nhân hóa, chỉ mới bắt đầu làm quen với tự chủ tài chính. Sự kết hợp của hai yếu tố này có nghĩa là ngân sách lưu trữ của mỗi tổ chức gần như không có, trong khi việc xây dựng các cơ sở lưu trữ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi một ngân sách khổng lồ.
Nguồn nhân lực cũng không đạt tiêu chuẩn do các tổ chức điện ảnh của Chính phủ thường không thể đưa ra các biện pháp khuyến khích cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân viên có năng lực. Hiện tại, cũng không có trường học hay chương trình nào chuyên đào tạo việc lưu trữ các bản in tương tự. Đa số cán bộ làm công tác này hiện nay đã được đào tạo chuyên ngành khác và chỉ học về bảo quản, tu bổ tại chỗ, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Ngoài ra, cần phải có một tiêu chuẩn quốc gia về cơ sở lưu trữ được áp dụng trên toàn quốc để có thể đưa ra một tập hợp chung, thống nhất các yêu cầu thiết yếu đối với điều kiện bảo quản, kho chứa phim chuyên dụng, giá đỡ phim, thùng chứa, nhãn,... Một tiêu chuẩn như vậy sẽ là mục tiêu rõ ràng và quan trọng để các tổ chức điện ảnh hướng tới; tương tự, nó sẽ là cơ sở mà các cơ quan lưu trữ có thể tham khảo để yêu cầu tài trợ hoặc kêu gọi đầu tư nhằm xây dựng các cơ sở lưu trữ phù hợp.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thiếu thốn như hiện nay, các kho lưu trữ có bản in tương tự cần cân nhắc tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các giai đoạn khác nhau.
Để giới thiệu di sản điện ảnh Nhà nước một cách chuẩn mực, chúng ta cần tích cực hợp tác với các địa điểm sẵn lòng giới thiệu phim Việt Nam trong các chương trình được tổ chức có tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, hằng năm, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch nên lựa chọn một danh sách các bộ phim có giá trị cần được phục dựng và số hóa ở chất lượng cao (việc này phức tạp và tốn kém), và giao nhiệm vụ này cho Viện phim Việt Nam. Việc phục dựng không chỉ nhằm mục đích lưu trữ mà còn quan trọng ở việc tái tạo vòng đời của các bộ phim thông qua việc giới thiệu chúng một cách bài bản, khoa học và hấp dẫn.
Tóm lại, nhận thức rõ giá trị cũng như tầm quan trọng của việc bảo quản phim, các kho lưu trữ đánh giá cao lợi ích của việc số hóa phim trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc quảng bá di sản điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác lưu trữ và số hóa còn rất hạn chế, do đó mỗi kho lưu trữ cần cân nhắc kỹ nhu cầu thực tế và khả năng ngân sách của mình để có chiến lược bảo quản, số hóa và phục chế phù hợp. Các nước phát triển hơn đã đi trước chúng ta rất lâu và chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu của họ để lưu trữ càng nhiều càng tốt, bảo quản bản in càng lâu càng tốt và chiếu phim cho khán giả nhiều nhất có thể./.