Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Không được để dân đói, dân rét, màn trời chiếu đất'
Tin tức - Ngày đăng : 14:49, 21/10/2020
Nhằm hướng tới đồng bào các tỉnh miền Trung đã và đang bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do lũ lụt dài ngày trên diện rộng gây ra, chiều ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung. Trong đó Thủ tướng nhấn mạnh các phương án sẵn sàng cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.
Trước đó báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết: Trong vòng 30 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT: Tình hình ngập lụt xảy ra trên phạm vi rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 18/10 có 260.322 hộ bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Mưa lũ làm 127 người chết và mất tích. “Thiệt hại về các thiết chế hạ tầng rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Hiện 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang mưa lớn. Do đó, cần tập trung công tác chỉ đạo, nhất là hồ chứa đã vượt ngưỡng bình thường, không để xảy ra sự cố, phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập trũng nguy hiểm.
Mặt khác theo dự báo, “mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía Bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và theo thông tin từ một số đài, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lũ lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh khu vực miền Trung”, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chia sẻ những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là những người bị nạn trong từng gia đình, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của các lực lượng ở Trung ương và địa phương trong phòng, chống, khắc phục, nhất là lực lượng quân đội, các ngành chức năng như: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, đặc biệt giao thông vận tải…; đồng thời biểu dương các lực lượng chức năng đã xông pha, không ngại hiểm nguy để cứu lấy sinh mạng, tài sản của nhân dân với nhiều tấm gương dũng cảm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”. Tích cực chỉ đạo cứu hộ cứu nạn nhưng phải bảo đảm an toàn.
Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du. “Lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng sẵn sàng hơn nữa với những phương án phù hợp, bằng các phương tiện cần thiết để cứu dân, xử lý vấn đề đặt ra như vừa qua các đồng chí đã làm”, Thủ tướng nói.
Tán thành với đề xuất của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đồng ý trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, “yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân, đúng đối tượng, không để chậm trễ.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị sẵn cơ số thuốc dự phòng, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh an toàn sau lũ.
Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các bộ, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ trong các công điện đã ban hành. Bộ Quốc phòng động viên các lực lượng có liên quan, giải quyết tốt chính sách, chế độ cho các đơn vị bị thiệt hại đúng quy định.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý, có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du. “Tôi đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, bám sát dân. Các cấp, các ngành bám vào chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các địa phương giải quyết tốt, hỗ trợ các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra", - Thủ tướng nhấn mạnh.