Sự kiện & Bình luận

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô

Đình Vũ 11:03 26/03/2024

Sáng 26/3, theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, nhiệm kỳ khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này trong phiên họp ngày 14/3 vừa qua.

Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. So với dự thảo luật trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ sáu, dự thảo luật lần này được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong nhiều lĩnh vực.

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Dự thảo Luật cũng đề cập quy định về thu nhập tăng thêm, việc quy định chế độ tiền lương, phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý là phân quyền cho HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông)...

Như vậy, có thể khẳng định, từ khi đưa ra thảo luận lần đầu tiên tại kỳ họp thứ sáu năm 2023 đến nay, công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền thành phố Hà Nội cùng các bộ, ngành liên quan, cũng như việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiến hành khoa học, bài bản. Việc tiếp thu sửa đổi đã bám sát cơ sở chính trị pháp lý thực tiễn, thể chế hóa được nội dung các nghị quyết của Đảng. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó là sự thống nhất, thông suốt giữa các cơ quan trong quá trình tiếp thu, giải trình về mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, yêu cầu, định hướng chiến lược đối với những vấn đề lớn, dài hạn và các nội dung cụ thể của dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy tới đây.

Dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội ở kỳ họp trước). Đây là dự án luật có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với riêng Hà Nội mà còn với cả nước. Đây cũng là dự án luật khó, vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính đa ngành, có nhiều nội dung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khác với quy định pháp luật chung hiện hành. Vì thế, việc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm tiếp tục thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, góp phần để dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được Quốc hội thông qua.

Mục tiêu cốt lõi là xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô thật sự xứng đáng với vị trí là “trái tim” của cả nước; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển./.

Đình Vũ