Sự kiện & Bình luận

Khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân năm 2023

TH 25/03/2024 11:00

Sáng 25/3, Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

20fdf95b-8760-4be7-8203-8630fff70fbe.jpeg
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân năm 2023 diễn ra sáng 25/3 tại Hà Nội.

Chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải... cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, hơn 500 đại biểu của 63 tỉnh, thành phố....

dai-bieu.jpeg
Các đại biểu Trung ương tham dự Hội nghị.

Những đổi mới trong phương thức hoạt động của cơ quan dân cử

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hoạt động của Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã trải qua hơn nửa chặng đường. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đề ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến việc tăng cường các hoạt động gắn kết giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, HĐND cũng có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng địa phương và cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Hội nghị tổng kết toàn quốc công tác HĐND năm 2022, có 60 kiến nghị, đề xuất gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, các cơ quan khối Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng đã xem xét trả lời 44 kiến nghị (đạt 73,3%). Những kiến nghị, đề xuất còn lại, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, triển khai Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều hoạt động đã được thực hiện như: xem xét báo cáo hoạt động của HĐND tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; mời đại diện Thường trực HĐND tham gia Ban soạn thảo các dự án luật, nghị quyết, dự khán một số nội dung quan trọng tại các kỳ họp Quốc hội. Cùng với việc hằng năm tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc, cũng là dịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, tạo thêm động lực, lan tỏa về sự đổi mới của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới cơ quan dân cử ở địa phương.

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn về Quy chế làm việc mẫu của HĐND các cấp. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã giao Ban Công tác đại biểu đang nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, sớm ban hành để tổ chức thực hiện.

Đẩy nhanh tiến độ các mục tiêu, nhiệm vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua theo dõi thực tiễn và qua báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố, hoạt động của HĐND ở một số nơi còn có những hạn chế về chất lượng các kỳ họp; chưa có biện pháp kiên quyết, hữu hiệu, thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung kiến nghị sau giám sát; việc tổng hợp, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm. Cùng với đó, công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; có lúc, có nơi sự phối hợp công tác giữa các cơ quan chưa thật sự chặt chẽ, đây là những vấn đề cần phải quyết tâm khắc phục.

Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Đồng thời bắt đầu triển khai các công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải xác định tinh thần và hành động như trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng, đó là: trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực… kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc…; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương…; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế, tạo đột phá để phát triển.

25-2-tran-thanh-man-jpeg.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, nhất là có những đề xuất, kiến nghị sát thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2024 và nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

TH