Hoạt động hội

Văn nghệ sĩ 3 miền tham quan các di tích, thắng cảnh của Thủ đô Hà Nội

Đình Thế 23/03/2024 07:36

Trong khuôn khổ Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật của 3 hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế và TP. Hồ Chí Minh, ngày 22/3, đoàn văn nghệ sĩ đã tham quan trải nghiệm tại các di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

146070a6051aa944f00b.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh tham quan tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm trưng bày trong Đền Ngọc Sơn.

Tại đền Ngọc Sơn, đại diện Ban Quản lý đền đã giới thiệu với đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế và TP. Hồ Chí Minh về lịch sử của đền Ngọc Sơn. Đền Ngọc Sơn được xây dựng vào thế kỷ 19, toạ lạc trên đảo Ngọc trong lòng Hồ Hoàn Kiếm, là một quần thể kiến trúc phong cảnh và có một bảo tàng về lịch sử, truyền thống văn hoá và đấu tranh cách mạng.

Ngôi đền này được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Ban đầu, ngôi đền là nơi thờ vị hoàng đế có công dẹp ác, sau thờ Phật và cuối cùng chuyển sang thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, người có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược và Văn Xương Đế Quân (ngôi sao đảm trách văn chương khoa bảng).

Đền Ngọc Sơn là di tích văn hoá tín ngưỡng tôn giáo và cũng là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử vẻ vang của nước nhà, nhất là cuộc đấu tranh giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc chiến đấu anh dũng để bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ngôi đền này không chỉ là chốn tâm linh, mà còn là một điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, thu hút du khách nước ngoài với vẻ cổ kính, trầm mặc, uy nghiêm và đậm nét văn hóa, lối kiến trúc xưa vẫn được bảo tồn đến ngày nay.

Đặc biệt, Đền Ngọc Sơn luôn là niềm tự hào của người dân Hà Nội với ý nghĩa tâm linh to lớn. Mỗi khi mùa thi đến, học sinh, sinh viên đến thắp hương với mong ước đỗ đạt. Ngoài ra, đây còn là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đặt chân đến Thủ đô ngàn năm văn hiến.

caa9ad6fd8d3748d2dc2.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh được trải nghiệm đi xe điện ngắm phố cổ Hà Nội.

Sau khi tham quan Đền Ngọc Sơn, đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế và TP. Hồ Chí Minh đã được trải nghiệm đi xe điện quanh phố cổ Hà Nội, ngắm các công trình văn hóa, địa danh lịch sử của Hà Nội như hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn Hà Nội...

Tiếp đó, đoàn đã đến thăm di tích Đền Bạch Mã là một trong “Tứ trấn" của kinh thành Thăng Long xưa. Đền thờ thần Long Đỗ - vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (thành hoàng Hà Nội).

bd7e1b8d6e31c26f9b20.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm, Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cùng các văn nghệ sĩ nghe giới thiệu về Đền Bạch Mã.

Đền Bạch Mã được xem là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất Hà thành. Tương truyền, khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, vua cho xây thành nhưng nhiều lần đắp lên lại bị sụp đổ. Vua liền sai người tới đền cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để vết chân đến đấy, xong xuôi ngựa quay về đền rồi… biến mất. Thấy vậy, vua liền cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công, do đó đền mới lấy tên là Đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng của kinh thành Thăng Long.

Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, mang vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm với nền tường vàng, cánh cửa làm bằng gỗ đỏ được chạm khắc rồng vàng. Điểm nổi bật của nét kiến trúc bên trong ngôi đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái đều được làm theo đúng kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, nét chạm khắc tỉ mỉ, chắc, khỏe...

Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử to lớn như: 15 tấm bia văn ghi lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1000 năm qua. Ngoài ra còn có: Sắc phong, hương án, độc bình, đôi phổng, chuông đồng hay kiệu rước...

Tiếp đó, đoàn đã tới tham quan trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Trung tâm văn hóa quận Hoàn Kiếm.

6d6dffdf8b63273d7e72.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh tham quan trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Sau khi, được tham quan các di tích danh lam thắng cảnh Hà Nội và trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã bày tỏ ấn tượng với những di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô, đồng thời trân trọng sự nhiệt tình, mến khánh của chủ nhà Hà Nội đã tiếp đón đoàn văn nghệ sĩ Huế rất chu đáo. Bên cạnh đó, chương trình mang lại cho các văn nghệ sĩ rất nhiều cảm xúc để cho chúng tôi hiểu sâu hơn về phố cổ Hà Nội, Hồ Gươm và Đền Ngọc Sơn.

c089d976acca009459db.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh được nghe giới thiệu về làng Gốm Sứ Bát Tràng – Tinh Hoa Văn Hóa Đất Việt.

Cùng ngày, đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm Bảo tàng Gốm sứ Bát Tràng là trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, nằm ở thôn 5, xã Bát Tràng, H.Gia Lâm, TP. Hà Nội - một làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam để được chứng kiến, trải nghiệm tinh hoa làng nghề gốm của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến...

Một số hình ảnh PV ghi nhận:

d0dd2c2b5997f5c9ac86.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh tham quan trung tâm văn hóa quận Hoàn Kiếm.
33f459012cbd80e3d9ac.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh tham quan quá trình để làm ra một tác phẩm Gốm Bát Tràng.
7c4977bf0203ae5df712.jpg
278f337246ceea90b3df.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc ánh sáng tại Bảo tàng Gốm sứ Bát Tràng.
fc0e11bf6503c95d9012.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội thay mặt đoàn tặng quà lưu niệm cho Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội.
1f2751ad3511994fc000.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.
1e5469ee8b5a27047e4b.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại Đền Ngọc Sơn.
e3883d0449b8e5e6bca9.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Gốm sứ Bát Tràng.

Đình Thế