Sự kiện & Bình luận

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024: Chủ động tìm hiểu, ứng dụng AI vào hoạt động báo chí

Duy Minh 16/03/2024 16:00

Hội Báo năm 2024 lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn báo chí toàn quốc vào ngày 15-16/3, với các hoạt động nghiệp vụ quy mô, tầm vóc, cùng với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dạn dày kinh nghiệm, lãnh đạo cơ quan báo chí hàng đầu Việt Nam, các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín.

twe1h1t8.png
Bản quyền khi sử dụng AI là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất tại phiên thảo luận tại Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024

Diễn đàn báo chí toàn quốc là sinh hoạt nghiệp vụ chất lượng cao với 10 phiên thảo luận về các chủ đề nóng, được giới báo chí quan tâm như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội...

Tham luận tại diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh đưa ra đánh giá tổng quan về báo chí đương đại và những dự báo trong xu hướng chuyển đổi số của báo chí hiện đại. Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, kết quả khảo sát cho thấy tình hình phát hành báo in đang sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đối với nhiều cơ quan báo chí. Thay vì bị động trước sự phát triển của công nghệ AI hoặc bị thua cuộc trong cạnh tranh với AI thì báo chí trong nước nên chủ động tìm hiểu, ứng dụng AI vào hoạt động tác nghiệp của phóng viên báo chí.

Báo chí cách mạng Việt Nam đang chạm mốc 100 năm. Trải qua hành trình phát triển gần một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thể hiện rõ tính định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại với sự ra đời nhiều chương trình, sản phẩm mới, lan tỏa sâu rộng trên các nền tảng số, có hiệu ứng tốt trong xã hội.

Nói về những việc cần làm ngay trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

"Ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó phải coi doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu", ông Lê Quốc Minh gợi ý.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. "Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt câu hỏi và cho rằng, báo chí cần một không gian rộng hơn là “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác. Ở thời đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì cách làm mới thường là làm ngược lại.

"Hãy sử dụng công nghệ số để làm ngược lại. Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang Web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn", ông Hùng chia sẻ.

Tại phiên thảo luận với chủ đề "Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI" thạc sĩ Nguyễn Văn Khánh - Trưởng nhóm phục chế 10 ngàn ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI nói "AI là cơ hội trăm năm có một"

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, bằng một cuộc khảo sát mới đây, hơn 80% người dùng được hỏi đã từng nghe thấy ai đó nói chữ “AI” nhưng 80% không quan tâm hoặc quan tâm nhưng ko sử dụng. Đa số cảm thấy công nghệ này xa lạ và quá phức tạp để tìm hiểu, và tin rằng không liên quan tới mình. Ông Khánh cho biết, công cụ AI đang được mọc như nấm. Theo số liệu cho thấy, mỗi tháng có tới trên 2 ngàn công cụ tạo sinh bằng AI được phát hành mới dựa trên các mã nguồn mở.

"Cơ hội của chúng ta là phát huy tri thức ngành sâu và tạo ra AI hỗ trợ vô cùng dễ dàng trong các lĩnh vực", ông Khánh nhấn mạnh.

Theo đó, AI tạo sinh được ứng dụng trong thực tế, trở thành công cụ hỗ trợ vô cùng đắc lực trong việc phục dựng văn hoá lịch sử như tạo dựng những hình ảnh thuần Việt, đưa cổ tích gần hơn với đời thực, đưa vào các bài giảng văn học trực quan. Khôi phục văn hoá làng xã, dân tộc và thuần Việt - đây là một mỏ tiềm năng thú vị cần sự khám phá và tìm tòi.

Bên cạnh đó, rất nhiều người sử dụng AI để phục dựng những gì đã qua, như phục dựng ảnh liệt sĩ, ảnh anh hùng, người có công; phục dựng những danh nhân; phục dựng người thân của các gia đình. "Thế giới quá già và giàu để chủ quan và ì ạch - AI là cơ hội trăm năm có một. Chúng ta phải làm chủ AI đừng là lính của AI", ông Nguyễn Văn Khánh cho biết.

Tại diễn đàn, các tham luận cũng nhìn nhận, đánh giá về diễn trình báo chí cách mạng Việt Nam đang tiến đến mốc 100 năm phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại với sự ra đời nhiều chương trình, sản phẩm mới, lan tỏa sâu rộng trên các nền tảng số, có hiệu ứng tốt trong xã hội.

Những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới, nếu không sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng./.

Duy Minh