Nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng: Người luôn đổi mới và sáng tạo
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 17:28, 19/06/2022
Nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng.
1. Nhiều năm về trước, vào một ngày đầu tuần có anh phóng viên tạp chí Hàng không Việt Nam đến đặt tôi viết bài về nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh. Tôi hơi đường đột, hỏi:
- Hàng không thì cần gì đến nghệ sĩ nhiếp ảnh?
- Cần chứ, rất cần bởi khách hàng không đa phần là đi du lịch. Người nước ngoài và Việt Kiều rất cần biết về đất nước Việt Nam giàu - đẹp như thế nào và người lưu giữ kho tàng hình ảnh đẹp đó chính là các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, như cụ Võ An Ninh chẳng hạn.
Người trả lời câu hỏi đó là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng. Anh là phóng viên, biên tập viên tạp chí Hàng không Việt Nam, một người làm báo tâm huyết, một phóng viên có khả năng chụp hình và viết khá tốt. Trước khi về cơ quan tạp chí, Phạm Công Thắng đã học qua trường đào tạo nhiếp ảnh cơ bản. Học xong, anh được giữ lại làm giảng viên của trường và còn được cử sang tỉnh nước bạn Lào kết nghĩa với trường để giảng dạy về nhiếp ảnh. Ngày ấy, Phạm Công Thắng đã có tác phẩm tham dự triển lãm khu vực, toàn quốc, quốc tế và cũng đã được giải.
Trước khi về hưu, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật tại số 45 phố Tràng Tiền (Hà Nội), để lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng yêu mến nghệ thuật Thủ đô và đồng bào cả nước. Có người khen tác phẩm của anh không chỉ đẹp về nội dung và hình thức mà khi xem ảnh họ có cảm giác như Phạm Công Thắng biết nghe “tiếng nói” của chim muông và hiểu được cả “tính cách và ngôn ngữ” của các loài vật. Khả năng này quả thực là ít có.
Từ thành công cuộc triển lãm, anh quyết định in cuốn sách ảnh cỡ lớn, mang tên cũng rất văn nghệ “Lãng du Phạm Công Thắng!”. Để ra được cuốn sách ảnh này đâu phải chuyện dễ, lại còn nguồn kinh phí xuất bản không hề nhỏ. Sách in ra giá rất cao, khó bán. Lúc đầu hơi hoảng nhưng cũng chỉ một thời gian, không còn sách để bán nữa. Đùng một cái, anh công bố trên mạng: Phạm Công Thắng bắt đầu viết truyện ngắn! Và chỉ trong vòng gần một năm, tập truyện ngắn mang tên “Ngã rẽ” của Phạm Công Thắng do NXB Văn học ấn hành (năm 2020) đã ra mắt bạn đọc một cách ngoạn mục. Cùng một thời gian, truyện ngắn Phạm Công Thắng được giới thiệu trên nhiều báo, trong đó có Văn nghệ Công an. Đến hôm nay anh lại báo tin: Phạm Công Thắng sắp hoàn thành tập truyện ngắn thứ 2.
Nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia đã tin tưởng trao gửi kỷ vật cho gallery “Ký ức nhiếp ảnh” của nghệ sĩ Phạm Công Thắng.
Một góc gallery “Ký ức nhiếp ảnh” của nghệ sĩ Phạm Công Thắng.
2. Gắn bó với nhiếp ảnh, Phạm Công Thắng luôn đau đáu với ý nghĩ: Các phóng viên và nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã để lại cho đất nước một gia tài tác phẩm khá đồ sộ, được đánh giá cao, nhưng cái gì làm ra nó? Theo anh, đó chính là con người và chiếc máy ảnh! “Những chiếc máy ảnh làm ra những tác phẩm ấy hiện đang ở tản mát trong gia đình các phóng viên và nghệ sĩ cả nước. Nếu biết huy động tập trung lại sẽ thành một tài sản quý báu cho đất nước và dân tộc”- Phạm Công Thắng nghĩ thế và tự nguyện làm công việc đó. Bởi theo anh nếu thực hiện thành công ta sẽ có một bộ sưu tập hiện vật có ý nghĩa lịch sử với nhiếp ảnh Việt Nam, để người xem thấy được sự hy sinh xương máu, trí tuệ, tài năng của các phóng viên, nghệ sĩ. Đây là một cách làm rất độc đáo, có thể nói là “độc nhất vô nhị”!
Khi Phạm Công Thắng vừa thông báo ý tưởng đó, lập tức đã có nhiều phóng viên, nghệ sĩ nhiệt liệt hưởng ứng. Trong vòng một tháng, hàng trăm hiện vật trên địa bàn cả nước gửi về: Nghệ sĩ, anh hùng Trần Lam ở Kiên Giang đã chuyển ra một máy ảnh Nikon D.200 và chiếc máy ảnh Horizon với cấu hình độc đáo có thể chụp xoay bốn góc. Chiếc máy Nikon D.200 này ông đã sử dụng từ khi còn là Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Nó giúp ông làm ra tác phẩm để tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội, có tác phẩm tuyển chọn xuất bản để ba cuốn sách ảnh và chụp ra tác phẩm: “Mặt trời trong lăng sáng tỏa”. Phía góc ảnh bên phải có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tập đoàn Tân Tạo đã mua với giá 1 triệu đô (USD)! Điều đáng nói là tác giả dùng số tiền này để giúp 500 trẻ em nghèo ở Kiên Giang bị bệnh tim bẩm sinh được cứu chữa, thoát khỏi hiểm nguy trở nên khỏe mạnh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng (Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Công ty Quảng cáo du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, là phóng viên nhiếp ảnh của Báo ảnh Giải phóng từ thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam thì gửi tặng một máy ảnh Zeiss-IKông cổ lỗ, có cách đây hơn 80 năm, thời cụ Võ An Ninh hay sử dụng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Bình (Hà Nội) tặng chiếc máy quay phim dương bản Projektor sản xuất tại Mỹ, cách đây gần 100 năm được vị giáo sư người Đức mua từ năm 1930. Sau này, ông trao lại cho con trai cũng là giáo sư - người trực tiếp hướng dẫn làm luận án tiến sĩ cho Nguyễn Ngọc Bình và hôm nay ông trao lại tại nhà riêng Phạm Công Thắng ở 225A Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội. Nghệ sĩ Duy Đông ở Thái Bình gửi lên một máy ảnh còn chụp tốt của người bố - nghệ sĩ Đăng Quang. Khi còn sống, ông Quang dùng chiếc máy này làm ra tác phẩm triển lãm và xuất bản cuốn sách ảnh mang tên “Ảnh nghệ thuật Đăng Quang”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Bảo ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng nhiều hiện vật, trong đó có chiếc máy quay phim cổ điển. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Nền (Hà Nội) chuyển đến một máy ảnh nhãn hiệu Rolleilflex có cách đây đã hơn 80 năm. Nghệ sĩ Trần Tuấn (Hà Nội) chuyên chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã gửi nhiều hiện vật và chiếc máy quay Reelex.
Nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia đã tin tưởng trao gửi kỷ vật cho gallery “Ký ức nhiếp ảnh” của nghệ sĩ Phạm Công Thắng.
Một góc gallery “Ký ức nhiếp ảnh” của nghệ sĩ Phạm Công Thắng.
Nghệ sĩ Trần Đàm ở Thanh Hóa chuyển ra hai máy ảnh Nikon đời cũ và nhiều hiện vật. Hai chiếc máy ảnh này ông đã chụp ra tác phẩm triển lãm và xuất bản nhiều cuốn sách ảnh.
Ngoài ra còn nhiều tác giả đã gửi đến và tiếp tục gửi đến như các nhà báo: Nguyễn Thắng (Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam), Phạm Tiến Dũng (nguyên Tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh), Sĩ Minh (Tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh và đời sống) và các nghệ sĩ như: Sĩ Tân, Trường Thi, Khắc Hường, Xuân Gụ, Tạ Ngọc Xuân, Phạm Đức Thắng, Chính Hữu, Vũ Kim Khoa, Bạch Thành Đồng,… Hiện nay, gallery “Ký ức nhiếp ảnh” đã có trên 500 hiện vật lớn nhỏ như máy ảnh, máy phóng ảnh, đèn chụp các loại, máy quay phim, các loại chân chống máy ảnh, máy ảnh chụp lấy ngay, máy chiếu phim dương bản, máy quét phim âm bản, máy Flycam chụp từ trên cao, máy kiểm tra phim âm bản, màn dùng cho nhà nhiếp ảnh ngủ đêm ở ngoài trời. Trên 200 nghệ sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia…đã trao gửi kỷ vật và niềm tin nơi nghệ sĩ Phạm Công Thắng.
Ngày 21/11/2021, nhà sử học Dương Trung Quốc đến xem, rất xúc động viết: “Nhiếp ảnh có thần lực là “Biến khoảnh khắc thành vĩnh viễn”. Do vậy, nó là phương tiện và phương cách để lưu giữ ký ức”, “Người sưu tập máy ảnh và hiện vật là người góp phần lưu giữ những ký ức của xã hội. Nói cách khác là người bảo quản những phương tiện lưu giữ những ký ức của xã hội và nó chính là lịch sử”. Tôi đến với Phạm Công Thắng như một đồng nghiệp, một người đồng điệu. Cũng vì thế, tôi phải cảm ơn anh đã làm cái công việc mà cho đến nay chưa ai nghĩ tới, chưa ai chịu làm. Sau này, sẽ có nhiều người hiểu và biết ơn những người như anh.
Phát hiện và động viên kịp thời, ngày 8/12/2021 đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông và Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập tạp chí Nhiếp ảnh và đời sống Hồ Sĩ Minh đã đến thăm và xem khá kỹ gallery “Ký ức nhiếp ảnh” của Phạm Công Thắng. Thay mặt Ban chấp hành, bà Trần Thị Thu Đông đã trao tặng quà và bằng khen của Hội cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng. Đó là nguồn động viên khích lệ thiết thực nhất đối với anh.
Có thể nói dự án mà Phạm Công Thắng đang thực hiện đã thành công ngoài mong đợi. Mừng vì nhận được sự tin tưởng, gửi gắm của mọi người nhưng anh cũng đang lo không đủ diện tích để trưng bày. Cũng may là các con anh đều đã trưởng thành: đứa đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, đứa đã xây dựng gia đình riêng nên anh tạm thời trưng dụng phòng riêng của các con làm nơi trưng bày hiện vật.
Tôi đã đến xem, rất khâm phục, đánh giá cao và gửi bộ máy ảnh Pentax từng chụp chân dung văn nghệ sĩ, những người bình thường và nổi tiếng, chụp chân dung Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở chiến trường và chụp ở nhà riêng khi người bước vào tuổi 80 (năm 1991).
Đây là một ý tưởng cá nhân táo bạo, một sáng tạo đáng quý. Nếu phát triển tốt sau này có thể trở thành bảo tàng tư nhân về nhiếp ảnh. Nhưng tôi hơi băn khoăn rằng: khi mở cửa phòng trưng bày sẽ có nhiều người đến xem, đến nghiên cứu nhưng không có chỗ để ngồi nghỉ ngơi đôi chút. Phạm Công Thắng như đoán được băn khoăn đó và tiết lộ: còn một gian ở tầng dưới đang cho thuê, sau này anh lấy lại và dùng làm nơi bán cà phê cho khách tham quan, làm nơi cho văn nghệ sĩ đến xem, gặp gỡ và giao lưu văn nghệ.
Lập gallery “Ký ức nhiếp ảnh” - Một sáng tạo mới của Phạm Công Thắng!