Chính sách & Quản lý

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Văn Thiện 16:48 12/03/2024

Sáng ngày 12/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

vv.jpg
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi).

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật chủ trì Hội nghị.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 101 điều, tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; những vấn đề nhằm bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; về bảo đảm tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; các quy định liên quan đến quyền con người...

Trong đó, hội nghị tập trung phản biện xã hội quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân.

Đại biểu tham dự cũng góp ý kiến đối với quy định về các loại hình di văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Quy định về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do nhà nước quản lý, di sản văn hóa do tư nhân quản lý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định về quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa do các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo quản lý trong dự thảo Luật di sản văn hóa (sửa đổi).

Cùng với đó là điều kiện bảo đảm nguồn lực và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo luật Di sản văn hóa (sửa đổi);…

Đại biểu tham dự cũng tập trung phân tích nội dung các điều, khoản cần thể hiện tính chế tài chứ không đơn thuần mang tính lập pháp; điều chỉnh tên các Điều sao cho ngắn gọn, dễ nhớ…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau một buổi làm việc nghiêm túc, Hội nghị đã ghi nhận 17 ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết thể hiện sự nghiên cứu sâu rộng của các đại biểu để tham gia góp ý vào Dự thảo luật.

Các ý kiến tham gia đồng tình và đánh giá rất cao với các nội dung, đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã hết sức nghiêm túc, trách nhiệm trong xây dựng dự thảo luật. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo, trực tiếp là Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm rõ những vấn đề mới, những yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị di sản văn hoá. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định để làm rõ quan điểm nhân dân là chủ thể trong quá trình bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến tại Hội nghị và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội./.

Văn Thiện