Câu chuyện về cuốn sổ tay
Trong những gương mặt văn chương tiêu biểu của thời kỳ kháng chiến thống nhất đất nước, Quang Dũng (1921 - 1988) được biết đến là một nghệ sĩ đa tài. Bên cạnh là một nhà thơ nổi tiếng, ông còn viết văn, soạn nhạc và vẽ tranh. Và có những góc lặng thật riêng tư, thật sâu và cũng rất khác của người nghệ sĩ mà chỉ có người thân trong gia đình mới đủ thấu trọn. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một khoảng ký ức của nhà văn Bùi Phương Thảo về người cha của mình - nhà thơ Quang Dũng qua kỷ vật thân thương là cuốn sổ tay của người quá cố.
Trong số những kỷ vật mà cha tôi (nhà thơ Quang Dũng) để lại, tôi đặc biệt lưu tâm tới một cuốn sổ tay nhỏ. Nó nằm lẫn trong hơn chục cuốn sổ đủ kích thước, màu sắc, giấy và chữ đã ngả màu mà gia đình còn giữ được của cha tôi. Cuốn sổ chứa đựng trong nó những năm tháng cuối cùng mà cha tôi sống và viết tại khu kinh tế mới ở Lâm Đồng, những kí ức rưng rưng.
Cuốn sổ này khiến tôi đặc biệt chú ý tới bởi không còn bìa và ngay tại trang đầu, những dòng chữ rắn rỏi rõ nét bằng bút mực xanh hiện lên: “Chúc anh Quang Dũng một chuyến đi nghìn dặm với những trang sách cháy bỏng lòng người. Ngõ Quỳnh 28/3/1983. Vũ Bão.”.
Nhấc cuốn sổ lên, tôi nghĩ thầm trong đầu: “Bố cho phép con xem cuốn sổ này nhé!”. Có chút tò mò, tôi nhẹ tay lật trang tiếp theo, những nét chữ quen thuộc của cha tôi bằng mực xanh được viết gọn gàng trong một trang giấy: “Trang đầu tiên dành những tình cảm đặc biệt cho Vũ Bão - Vũ Bão rất yêu tôi. Những buổi tối, Vũ Bão thường đến nhà ăn của XBVH (Xuất bản văn học) lấy một xe cải tiến đầy xỉ than bếp lò, vượt đất lấn hồ. Một vài năm đã thành một cơ ngơi đủ nhà ba buồng, chuồng lợn và bếp rộng rãi. Câu Vũ Bão thường nhắc là một kỉ niệm từ thời liên khu III: Vũ Bão đang hành quân, phải chạy đón đường để xem ông Quang Dũng đi qua bến đò Nho Quan!.
Ngày nay, thế là đã ngót bốn chục năm trời. Cái hình ảnh đẹp của một thời quân miền Tây đã xa lắc. Còn lại một tấm lòng chiến sĩ cũ và thương nhau. Vũ Bão có thể là người viết có nhiều sức trẻ, nhiều nghị lực. An cư rồi thì nên lạc sự nghiệp.
Ghi vội mấy dòng cảm ơn Vũ Bão, anh nhớ tôi đã mong có một cuốn sổ tay để đi Lâm Đồng ghi chép. Đây là món quà lên đường anh tặng tôi. Quang Dũng.”
Cảm xúc ùa về trong tôi cùng biết bao kỷ niệm. Tôi biết chú Vũ Bão từ khi cha tôi còn khỏe mạnh, ông hay đạp xe xuống khu nhà chú. Năm 1989, nhà văn Vũ Bão đến giảng bài, trao đổi kinh nghiệm viết cho lớp bồi dưỡng sáng tác mà tôi tham tham gia. Sau này, khi cha tôi qua đời, chú Vũ Bão thường đến thăm mẹ con tôi ở căn tập thể Dệt kim Đông Xuân, lúc đó chú đã đau chân, đi lại tập tễnh khó khăn.
Từ sau trang viết đầu tiên trong cuốn sổ dành cho nhà văn Vũ Bảo là những ghi chép khác của cha tôi. Đó là thời gian ông ở Đà Lạt và đi thực tế vào khu Kinh tế mới người Hà Nội ở Lâm Đồng để tìm hiểu, lấy tư liệu và dự định sẽ viết tập kí 300 trang về những đổi mới ở vùng kinh tế này. Có thể tên tập kí là: “Đi khắp quê hương mới của Đất rồng lửa” (vì dòng chữ này được cha tôi gạch chân cẩn thận). Ông còn dự định sẽ in tại Nhà xuất bản Hà Nội. Những dòng chữ viết rất nhỏ (để tiết kiệm sổ tay) đầy những số liệu, nhiều tên người, địa chỉ… là kết quả của nhiều ngày ông di chuyển liên tục trong toàn vùng chỉ bằng đi bộ. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để có năng suất tăng nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân luôn được ông quan tâm ghi lại tỉ mỉ. Sau nhiều tìm hiểu của cha tôi, giống ngô Mexico được ông dành nhiều trang viết và bày tỏ thiện cảm: “Sao lại lúa, lúa, lúa! Cái ám ảnh chúng ta hàng năm. Tây Nguyên ta là xứ sở của ngô Cao Bằng, Trùng Khánh ăn ngô một năm 11 tháng thì sao? Mà người dân vẫn béo tốt khỏe mạnh, phụ nữ má hồng, trẻ em béo mập mạp. Vấn đề là chế biến, anh bí thư có nói hạt ngô Mexico xay thành miến, ngô nếp trắng, sợi trắng không biết là ngô nữa...”.
Năm 1984, khi biết tin cha tôi bị tai biến, ngã liên tục trên những con dốc trơn trượt ở Lâm Đồng, ở rừng vẹt gần dốc bà Mão… hai mẹ con tôi vào đón cha ra Hà Nội, ngồi trên chuyến tàu chậm Bắc Nam, cha ôm trên tay một mũ cói những bắp ngô luộc thơm và mẩy hạt - giống ngô Mexico.
Một chuyến đi thực tế hay mỗi nơi ông đến đều để lại những dấu ấn thật đặc biệt: “5 giờ sáng, dậy sửa soạn lên đường. Đường 4 cây số. Tây Nguyên lúc sắp bình minh thơm ngát cỏ cây đêm và tiếng thác nước Cam Ly hạ ào ào suốt đêm...”. Lật từng trang viết, tôi như hình dung ra sự run rẩy không kìm nén được của cha tôi trước cỏ cây hoa lá và không gian núi rừng Tây Nguyên vào sáng sớm. Ông ghi tiếp bằng chữ rất nhỏ: “Mưa, gió lành lạnh, cơn rào rào như mưa tháng Bảy. Mưa ngâu, khí lạnh như mùa thu. Cảnh vật như mưa thu. Đường đỏ, có cơn mưa, đỏ thẫm rất đẹp, đường đỏ, cỏ tranh viền một cảnh đẹp của đường số 6 hay Phú Thọ, hay Sơn Đông gần Ba Vì, Tùng Thiện. Mùi cỏ dại, hoa dại, thông thơm hắc lại rất gợi về 1948, những đêm Đại Từ Thái Nguyên, đêm Việt Bắc kháng chiến, đêm trung du bộ đội…”.
Trong sâu thẳm tâm hồn cha tôi, những kỉ niệm hào hùng thời tham gia Trung đoàn 52 Tây Tiến luôn còn mãi. Sau những trang ghi chép này, ông viết một dòng tự nhắc mình, đóng khung cẩn thận: “Còn đúng 22 trang là hết chỉ ghi chép thật cần thiết và vắn tắt...” Ông dùng bút đỏ đánh số trang cuối cùng và lưu bút: “Vũ Bão, đêm nay, 11/11/83, tôi trở dậy vào 2 giờ sáng và rất nhớ Vũ Bão, người bạn trẻ mà kỉ niệm gặp nhau đã từ Nho Quan những ngày đầu 1948! Chao ôi, xa quá, lâu quá mà vẫn gần quá vì đêm nay tôi lại đang lấy một tờ sau cùng của cuốn sổ anh tặng tôi để viết mấy dòng thân mến gửi anh. Cuốn sổ của Vũ Bão tôi giữ cẩn thận…”
Một cuốn sổ tay nhỏ vào cái thời gian khó ấy là cả sự mong muốn của cha tôi - một nhà thơ, một chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến kiêu hùng. Trong lòng tôi thốt lên một niềm thổn thức: Cha ơi! Cha và chú Vũ Bão có cảm nhận được trong con sự xót xa và yêu thương nhưng cũng đầy tự hào về một tình bạn mộc mạc chân thành của hai người! Con cũng sẽ giữ cẩn thận cuốn sổ này của cha, một cuốn sổ đặc biệt trong số những di cảo ít ỏi còn lại của người./.