Hà Nội đặt mục tiêu chăm sóc chu đáo cho 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Theo Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất.
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành “Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024) trên địa bàn Thành phố”. Kế hoạch nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự cống hiến, hy sinh của anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước. Bên cạnh đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quan tâm, chăm lo đến thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Ngoài ra, tổ chức các hoạt động thiết thực thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hướng đến mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống, vật chất tinh thần người có công với cách mạng, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” góp phần động viên, chăm lo đời sống các gia đình người có công với cách mạng.
Kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội cũng nhằm chủ động, tổ chức kịp thời thực hiện việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tới các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 25/2022/NĐ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.
Theo Kế hoạch, UBND Thành phố đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, như: vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn Thành phố đạt 22.840 triệu đồng. Tặng 1.245 Sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất 3 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 31 công trình ghi công liệt sĩ, hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 133 hộ gia đình người có công với cách mạng, phấn đấu 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú.
Tổng số đối tượng tặng quà dự kiến 120.551 suất, với tổng kinh phí 190.720.000.000 đồng (Một trăm chín mươi tỷ, bảy trăm hai mươi triệu đồng). Nguồn kinh phí được đảm bảo từ nguồn ngân sách cấp Thành phố, cấp huyện theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất, cụ thể: nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, nâng cấp tiện nghi sinh hoạt; đối với các Bà mẹ khi ốm đau hoặc qua đời các cấp chính quyền, đoàn thể phải hết sức quan tâm chu đáo.
Tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, với mức phụng dưỡng phấn đấu từ 2.000.000 đồng/người/tháng trở lên.
Công tác thăm, tặng quà của Thành phố đối với cá nhân (bằng tiền mặt) 2.000.000 đồng/người: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (Bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp. Trường hợp 1 cá nhân thuộc các đối tượng người có công nêu trên thì chỉ nhận 1 suất quà tặng của Thành phố. Mức quà (bằng tiền mặt) 1.000.000 đồng/người đại diện thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/ 1 suất quà).
UBND Thành phố Hà Nội ủy quyền cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã thăm tặng quà 48 đơn vị, mỗi suất quà trị giá từ 11.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố, Ủy ban MTTQ Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành đoàn Hà Nội, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân Thành phố triển khai Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024) trên địa bàn thành phố.
UBND Thành phố đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố chỉ đạo, phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ gắn với các hoạt động kỷ niệm của Thành phố, cả nước có ý nghĩa thiết thực. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ trên địa bàn Thành phố, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 20/7/2024 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.
Theo đó Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan báo chí Hà Nội tổ chức tuyên truyền ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ; tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự cống hiến, hi sinh của anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền đưa tin bài, hình ảnh về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công gắn với công tác tặng quà cùng các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ của Thành phố và cả nước.