Văn hóa – Di sản

Cây Du sam 500 năm tuổi ở Lai Châu được công nhận là Cây di sản Việt Nam

KT 08/03/2024 20:28

Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định công nhận cây du sam-cây cổ thụ kỳ mỹ có tuổi thọ khoảng hơn 500 năm ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, Lai Châu là Cây di sản Việt Nam, cây có trong sách Đỏ Việt Nam.

z5202814903543_a535a20550e6875a8dfadbe6d82d0046-142811_969-150520.jpg
Cây Du sam 500 năm tuổi ở Lai Châu được công nhận là Cây di sản Việt Nam (ảnh: Hồng Nhung)

Cây Du sam ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) được người địa phương gọi cây Pơ mu chua, có tuổi đời khoảng 500 năm tuổi. Cây mọc ở sườn núi dốc phía nam của xã Tà Mung, thuộc địa bàn bản Đán Tọ, thuộc khoảnh 8, tiểu khu 514, nằm trong lâm phần rừng sản xuất thuộc UBND xã Tà Mung quản lý.

Cây Du sam núi đất này đã được công nhận là cây di sản trong dịp đầu tháng 3/2024, cây thuộc xã Tà Mung, là xã vùng cao nằm ở phía nam huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, có độ cao trung bình trên 1300m.

Cây có chu vi gốc là 4,57m, chiều cao khoảng trên 20m. Theo lời kể của bà con ở đây, cây Du sam từng bị sét đánh 2 lần vào năm 1997 và năm 2021 khiến cây bị khô một phần thân, tuy nhiên cây vẫn xanh tốt. Hệ thực vật cộng sinh trên tán cây du sam khá phong phú. Tán lá rộng khoảng 20m2 và có nhiều loại phong lan, dương xỉ, tầm gửi và rêu bám trên thân cây, cành cây và cả tán lá.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Than Uyên chỉ còn một cây du sam cổ thụ tại xã Tà Mung; trên website sinh vật rừng Việt Nam đã giới thiệu đặc điểm nhận dạng của loại cây này.

grab98a3ez5217066447681_ad0d6d41d837baab1c142598eafe1697.jpg
Cây du sam cũng là cây di sản đầu tiên của tỉnh Lai Châu (ảnh: Hồng Nhung)

Cây du sam ở xã Tà Mung mọc trên vùng núi đất nên gọi là cây du sam núi đất. Người dân tộc Mông ở Tà Mung gọi là cây pơ mu chua. Đây là cây cổ thụ duy nhất được tìm thấy và bảo tồn ở xã Tà Mung.

Trong thời kì chiến tranh, Tà Mung là một trong những nơi giặc Pháp ném bom làm cháy hàng ngàn hét ta rừng, hủy diệt nhiều loài thực vật, động vật. Cây Du sam ở đây là một trong những cây hiếm hoi còn tồn tại sau chiến tranh với sức sống mãnh liệt, trở thành một biểu tượng của núi rừng Tà Mung, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Theo truyền thuyết người già ở đây kể lại, Tà Mung có hai cây cổ thụ cô độc gồm: Cây pơ mu chua (cây Du sam) và cây gạo ở khu vực trung tâm xã. Họ cho rằng trong các cây cổ thụ có thần, mỗi cây là một vị thần cai quản một vùng đất riêng biệt và giúp người dân ngăn chặn phong ba bão táp. Hiện tại dưới gốc cây Du sam vẫn còn một giàn thờ nhỏ làm bằng thân cây rừng là dấu tích người dân từ nhiều đời đã đến thắp hương xin thần cây phù hộ. Anh Mùa A Mang, người dân Tà Mung kể rằng: “Cây đã ở đây có lẽ đã cả ngàn năm, từ đời cụ kị anh còn nhỏ đã nhìn thấy. Người dân ở đây thường đến xin thần cây phù hộ khi họ chậm muộn đường con cái, khi bệnh tật ốm đau và đến cầu mưa thuận gió hòa. Các cụ cho là cây thần còn giúp người dân xua đuổi các loài hổ, báo, tà ma, giúp dân ngăn chặn dịch bệnh”. Cây Du sam Tà Mung là chứng nhân của lịch sử vùng đất này với bao biến động, đổi thay, cây tồn tại và chứng kiến cuộc đời của nhiều thế hệ con người đã đến đây khai khẩn đất đai, lập nên làng bản...

Hiện tại, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã quyết định công nhận cây Du sam núi đất này là cây di sản Việt Nam./.

KT