Chính sách & Quản lý

Dự kiến đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An

Việt Thương 10:54 07/03/2024

Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” vừa được UBND tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu trình Chính phủ phê duyệt. Dự toán tổng kinh phí thực hiện đề án này là 1.670 tỷ đồng.

g10u3pb9.png
Dự kiến đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An (ảnh: internet)

Theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, đối tượng thực hiện bao gồm các bộ phận cấu thành của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An như: Di sản văn hóa vật thể, hiện vật; Di sản văn hóa phi vật thể; Di sản tư liệu; các thiết chế văn hóa; các cơ sở vật chất, kết cầu hạ tầng; cộng đồng di sản.

Phạm vi thực hiện đề án trên địa bàn thành phố Hội An, trọng tâm là khu phố cổ Hội An và một số khu vực của các địa phương lân cận địa bàn thành phố Hội An có quan hệ đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

Đề án này có dự toán tổng kinh phí thực hiện 1.670 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An 1.290 tỷ đồng; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An 180 tỷ đồng; nguồn vốn tài trợ, ODA 200 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng quát của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh.

Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản. Giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tầm quan trọng, các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu phố cổ Hội An.

Gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một "Di sản sống".

Đến năm 2035, bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị; nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Các chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển của Trung ương và tỉnh Quảng Nam ban hành mở ra cho Hội An nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng thành phố trong thời kỳ mới.

Hiện nay, Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển./.

Việt Thương