Sự kiện & Bình luận

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện sự phân quyền hơn cho Hà Nội

Trung Kiên 08:46 06/03/2024

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, rõ phạm vi, trách nhiệm hơn cho Thành phố Hà Nội.

Chiều ngày 5/3/2024, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là 1 trong 3 nội dung được nhấn mạnh tại cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

chu-tich-qh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Dự buổi làm việc còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương.

Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong...

doan-hanoi.jpg
Các đại biểu Thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT QH).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý tăng 1 chương về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giảm 2 điều

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để rà soát các nội dung báo cáo, các nội dung lớn, quan trọng và công việc cần triển khai từ nay đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội bảo đảm cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tốt nhất.

Báo cáo một số nội dung lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các nội dung xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội, tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau Kỳ họp thứ 6 (diễn ra trong 22,5 ngày, chia làm 2 đợt, từ ngày 23/10 đến 29/11/2023), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, UBND Thành phố Hà Nội tiến hành nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên tinh thần tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội; trong đó đã tổ chức hơn 20 cuộc họp bàn các nội dung cụ thể.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều ngày 5/3/2024.
bo-truong-tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số nội dung trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại buổi làm việc. (Ảnh: Cổng TTĐT QH).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương và 57 điều (tăng 01 chương về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giảm 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội ngày 10/11/2023). Trong đó, đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, rõ phạm vi, rõ trách nhiệm hơn cho thành phố Hà Nội; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị về rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, đối tác công tư, mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, có cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hoá, xã hội; xây dựng cơ chế đặc thù ngân sách nhà nước trong việc huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý đã thể chế hóa kịp thời các kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các nội dung liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

bi-thu-dung.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐT QH).

Ngay sau báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã theo rất sát quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), kịp thời chỉ đạo, định hướng các cơ quan soạn thảo; chính vì thế bản dự thảo sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý đã chất lượng hơn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chia sẻ, tạo điều kiện để phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho Hà Nội, nhất là trong việc đầu tư các dự án phát triển hạ tầng và tăng cường các biện pháp xử lý các công trình xuống cấp nhằm bảo vệ an toàn, sức khỏe của người dân. "Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi cao", Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khẳng định.

Ủng hộ phương án ghi rõ “Hà Nội là đô thị đặc biệt” trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phát biểu kết luận nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, tiếp thu, chỉnh lý, đến nay Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng khá tốt.

hanoi-t.jpeg
Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án ghi rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi) “Hà Nội là đô thị đặc biệt”. (Ảnh: Thanh Hải).

Nhưng đây là dự án Luật khó với những quy định đặc thù, vượt trội đồng thời phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất ở mức nhất định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và thành phố Hà Nội tiếp thu tối đa ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để tiếp tục hoàn thiện các nội dung với tinh thần khẩn trương, tạo điều kiện thuận lợi nhất về khung khổ thể chế cho Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ phương án ghi rõ trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội là đô thị đặc biệt. Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát kỹ chương này có cần thiết phải đưa thành một chương riêng hay không.

Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các cơ quan soạn thảo sau buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cần tập trung hoàn thiện hồ sơ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 3/2024, đảm bảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có chất lượng tốt nhất.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 7 (chia làm 2 đợt, từ ngày 20/5 đến 6/6/2024 và từ 17/6 đến 26/6/2024), Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua./.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, với các dự án BT, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được rà soát kỹ về điều khoản chuyển tiếp, tránh trường hợp khi đi vào thực hiện sẽ bị "tắc". Đối với dự án BT, cần nghiên cứu thêm đề xuất cụ thể các hình thức liên quan để bảo đảm tính khả thi. Về mô hình phát triển đô thị TOD, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ hơn, vận dụng đa dạng các loại hình bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả cao./.

Trung Kiên