Một cuốn sách tâm huyết về đọc - hiểu "Truyện Kiều"
Truyện - Ngày đăng : 08:40, 04/11/2020
Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 - 2020), NXB Hội Nhà văn vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Sơ giải Truyện Kiều Nguyễn Du” của tác giả Nguyễn Vũ Trương Chiềng. Đây là một cuốn sách tâm huyết về đọc - hiểu “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, được sưu tầm và biên soạn khá công phu, tỉ mỉ với hy vọng đưa “Truyện Kiều” đến với đông đảo công chúng, nhất là đối với giáo viên và học sinh các trường phổ thông.
Nguyễn Vũ Trương Chiềng tên thật là Nguyễn Văn Huyên, sinh năm 1947 tại thôn Trần Xá (Chiềng) xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ông là tiến sĩ khoa học kỹ thuật, bảo vệ luận án tại Tiệp Khắc năm 1986. Là một cán bộ khoa học kỹ thuật, nhưng ông lại yêu mến và say mê văn chương, đến với văn chương như một nhu cầu tự thân, với 3 tác phẩm đã được xuất bản: Dòng chảy thông đạt (truyện ngắn, 2012); Xuân tình (thơ, 2013); Nào hoa nào đất (tiểu thuyết, 2015). “Sơ giải Truyện Kiều Nguyễn Du” là tác phẩm được ông ấp ủ và thai nghén trong một thời gian dài, dày công tìm hiểu sưu tầm và nghiên cứu biên soạn từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay. Ông vốn có tình yêu đặc biệt với “Truyện Kiều", ngay từ thuở còn nằm nôi, trong tiếng võng đưa kẽo kẹt, trầm bổng lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Khi trưởng thành, càng ngày ông càng nhận ra “Truyện Kiều” là một đỉnh cao của thơ ca dân tộc, có giá trị hiện thực và chứa đựng tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả và sâu sắc. Nhiều câu thơ của đại thi hào nằm lòng trong ông đã thôi thúc ông sớm phải có một tác phẩm để thể hiện lòng kính ngưỡng và biết ơn sâu sắc của riêng mình đối với tác giả “Truyện Kiều”. “Sơ giải Truyện Kiều Nguyễn Du” là tác phẩm được ra đời trong ý tưởng đó.
Theo Nguyễn Vũ Trương Chiềng, “Truyện Kiều” là một tiểu thuyết được sáng tạo (cũng có thể được gọi là chuyển thể) điêu luyện bằng thơ lục bát trường thiên, diễn đạt trong 3524 câu thơ, thành 1627 cặp lục bát, bao gồm cả thảy 22778 từ vựng (con chữ). Ông cho rằng: “... Mỗi cặp lục bát (trong “Truyện Kiều”) như những quả chín thần kỳ, lớp thịt ngoài tròn trịa chín mọng và thơm hương. Ở giữa quả đó là một hạt giống, có lớp vỏ sần sùi, thậm chí màu sắc không tươi, khá cứng bảo vệ cho cái nhân trắng tinh khôi, là mầm chứa các thông tin di truyền về nguồn cội”. Từ sự lý giải đó, ông khẳng định: “Một cây “Truyện Kiều” Nguyễn Du có 1627 quả thần kỳ như vậy. Thần kỳ còn ở chỗ, mỗi quả chứa đựng một chất nhân có gien thông tin khác biệt. Mỗi một cặp câu có vai trò dẫn dắt câu chuyện liên hoàn thú vị từ “quả” đầu tiên đến “quả” thứ 1627”. Theo Nguyễn Vũ Trương Chiềng, thông tin trong thơ cũng cần phải mượn một thứ gì đó để diễn tả tình thế hay tình cảm, “để hướng dẫn người đọc suy luận ý nghĩa”, Nguyễn Du nêu ra hai “quả” làm quy ước chung. Đó là cặp câu 1037-1038: “Bẽ bàng mộng sớm đèn khuya/ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” và cặp câu 1243-1244: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”. Ông chỉ rõ: “Đọc “Truyện Kiều” ta sẽ gặp vô vàn các cảnh huống tham gia câu chuyện. Ví dụ: từ “hoa” có 134 từ trong 128 câu thơ đơn; “mây” có trong 49 câu thơ; “liễu” có trong 21 câu thơ. Nào còn trăng, nguyệt, gió, mưa, trúc, mai,... đủ các thứ từ vựng tham gia trong cuộc tu từ, ẩn nghĩa. Ngoài ra, còn nhiều từ vựng nguyên gốc chữ Hán, ví dụ như “phong trần” hay “bỉ sắc tư phong”... và các điển tích như “lá thắm chỉ hồng”, “châu trần” hoặc “liễu Chương Đài”..., khi đọc đến không hiểu ngay được. Như trên đã nói, đó là lớp vỏ sần sùi bọc ngoài nhân mầm. Phải khéo bóc lớp vỏ đó ra thì mới thấy được cái nhân bên trong của nó”.
Với quan niệm như thế, trong “Sơ giải Truyện Kiều Nguyễn Du”, Nguyễn Vũ Trương Chiềng đã mạnh dạn dựa vào từng văn cảnh cụ thể từng cặp lục bát đưa ra những câu chữ ăn ý với nội dung được diễn giải theo nghĩa đen, giúp người đọc không còn phải quan tâm đến từng điển tích hay một từ Hán Việt khó hiểu nào, để người đọc hiểu được “cái nhân” xác thực, từ đó nhận ra “mức độ thần kỳ” của từng “quả” - cặp lục bát theo góc độ cảm nhận và kiến văn của mỗi người. Đó là ý tưởng tốt đẹp của tác giả, rất đáng được trân trọng và khuyến lệ, dẫu có thể còn những bất cập chưa thể vượt qua được.
Để thể hiện ý tưởng và tâm nguyện nói trên, Nguyễn Vũ Trương Chiềng đã kết cấu cuốn sách “Sơ giải Truyện Kiều Nguyễn Du” thành 2 phần. Phần I nhằm giúp bạn đọc trực tiếp tiếp cận nguyên bản, ông đã giới thiệu toàn văn “Truyện Kiều” theo văn bản do hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu đính, được NXB Thanh niên ấn hành năm 1999. Phần II được kết cấu thành 3 mục lớn A, B, C với 68 tiểu nội dung “văn cảnh” được gọi là “Hồi”. Mục A có Hồi 1 và Mục C có Hồi 68 là ý tưởng dẫn truyện tổng quát. Mục B với 66 Hồi gồm 3234 câu. Đây là nội dung cơ bản của “Truyện Kiều”, chứa đựng những bài học bằng xương bằng thịt cho đúc kết ở mục đầu và mục cuối, và cũng là nội dung sơ giải chính yếu thể hiện sự nỗ lực to lớn của tác giả. Đó là tình cảm và lòng tôn kính biết ơn sâu nặng của tác giả Nguyễn Vũ Trương Chiềng đối với đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.