Đời sống văn hóa

Về Yên Bái xem lễ hội Xo may của người Tày

KT 20:55 27/02/2024

Lễ hội Xo may xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đậm bản sắc riêng có của người Tày tới du khách dịp đầu Xuân Giáp Thìn. Lễ hội được bà con dân tộc Tày tổ chức với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên vui no ấm.

mg-1303-2234.jpg
Về Yên Bái xem lễ hội Xo may của người Tày (ảnh: Tiền phong)

Xã Mường Lai (huyện Lục Yên) là một địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của tỉnh Yên Bái. Đây còn là vùng đất gắn với văn hóa sông Chảy, là một trong ba vùng văn hóa đặc trưng của tỉnh Yên Bái với những truyền thuyết, huyền thoại, trường ca Khảm Hải, hát Cọi, hát Khắp, hát Lượn, lễ hội, tiếng chiêng, tiếng trống âm vang trong mỗi bản làng...

Lễ hội Xo may có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Mường Lai vào mỗi dịp tết đến Xuân về. Xo May tiếng Tày dịch nghĩa là "cầu may", cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Lễ hội Xo may thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới - khi hương xuân đang hiện hữu khắp các bản làng... Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân các thôn trong xã chuẩn bị trang trí gian hàng của thôn mình từ sớm. Đến ngày hội, họ sẽ đem sản phẩm truyền thống của thôn làm ra như gạo, rau, bánh, rượu, các đồ dùng sinh hoạt, các mặt hàng thủ công đến sân vận động xã để tổ chức.

mg-1403-9620.jpg
Về Yên Bái xem lễ hội Xo may của người Tày (ảnh: Tiền phong)

Năm nay, Lễ hội Xo may có hai phần chính, phần lễ và phần hội. Phần lễ rước tại đình Nà Ngàm. Đến với phần hội, người dân được gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức diễn xướng văn hóa đặc trưng thông qua điệu múa Dậm Thuông, một điệu múa truyền thống mang tính chất cộng đồng của người Tày có sự tham gia của trên 300 diễn viên quần chúng. Theo quan niệm của người Tày, điệu múa Dậm Thuông như một hình thức mời thần linh chứng giám, vừa là để cảm tạ và cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, mùa lúa thóc, trâu bò đầy nhà.

Lễ hội còn có các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đánh quay, chọi dê, đi cà kheo, thi giã bánh dày, bắt lươn trong chum... Trải nghiệm gian hàng sản phẩm nông sản Ocop, trang phục truyền thống, đồ dùng sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Theo quan niệm của người Tày nơi đây, điệu múa Dậm Thuông như một hình thức mời thần linh chứng giám, để cảm tạ và cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành; một mùa lúa thóc, trâu bò đầy nhà.

Lễ hội Xo may xã Mường Lai năm 2024 đã thu hút hàng nghìn du khách tham gia. Việc tổ chức Lễ hội đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày Lục Yên nói riêng, các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, tô đẹp thêm sắc màu trong vườn hoa văn hoá 54 dân tộc Việt Nam./.

KT