Tác giả - tác phẩm

Ra mắt cuốn sách "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ"

PV 20:54 27/02/2024

Kỷ niệm 69 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2024), NXB Tổng hợp TP.HCM vừa cho ra mắt cuốn sách "Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945)" của tác giả Bùi Thị Hà, giới thiệu đến độc giả quá trình du nhập của y tế phương Tây ở Bắc kỳ (Việt Nam) và định hình về lĩnh vực y tế Việt Nam cho đến sau này.

2s0p657b(1).png

Cuốn sách Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1973 – 1945) dày 376 trang, gồm 5 chương: Quá trình du nhập và hình thành y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 – 1902); y tế phương Tây ở Bắc kỳ qua các mốc thời gian (1902 – 1918; 1919 – 1929; 1930 – 1945); một số nhận xét và liên hệ từ quá trình nghiên cứu y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873 – 1945).

Thông qua tác phẩm, độc giả sẽ thấy được dòng chảy lịch sử đưa y tế phương Tây du nhập vào Bắc Kỳ, từ đây bức tranh y tế Việt Nam có những thay đổi ngoạn mục về sau. Độc giả cũng thấy được sự xuất hiện y tế phương Tây đã mở ra khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, bước đầu tác động làm thay đổi thói quen, suy nghĩ của cộng đồng trong công tác phòng và chữa bệnh.

Mặt khác, hoạt động của y tế phương Tây ở Bắc Kỳ thời kỳ 1873 – 1945 đã đặt nền móng cho sự hình thành của ngành y tế hiện đại ở Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo. Y tế phương Tây đã đào tạo được một đội ngũ bác sĩ tài hoa sau này tham gia kháng chiến và xây dựng nền móng của y tế cách mạng, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Vì vậy, Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945) thực sự là công trình rất có giá trị về lịch sử y tế phương Tây, từ những tư liệu gốc, quý được lưu trữ bằng tiếng Pháp khai thác ở các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam và Pháp - đó cũng là cách để tài liệu nói lên sự thật lịch sử.

Theo tác giả Bùi Thị Hà, dưới góc độ khoa học, việc tìm hiểu về chủ đề y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (thời kỳ 1873 - 1945) có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Bắc Kỳ, lịch sử y tế ở Việt Nam thời cận đại. Hiện nay, khi Việt Nam đang tích cực thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước cải thiện và nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thì đề tài này có ý nghĩa phục vụ thực tiễn nhất định, nhất là trong việc hoạch định các chính sách tổng thể về y tế, về các lĩnh vực khám chữa bệnh, dịch tễ, y tế cộng đồng.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, ngành y là một trong những lĩnh vực đầu tiên được xây dựng trong nền giáo dục hiện đại Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu chủ đề này còn góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế, thúc đẩy hoạt động đào tạo y khoa ở Việt Nam hiện nay.

y-te-phuong-tay-o-bac-ky-2-.jpg

Tác giả: TS. Bùi Thị Hà hiện làm việc tại Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hướng nghiên cứu chính: lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ thời cận đại, lịch sử thủy nông Việt Nam thời cận đại. Tác giả từng được trao giải nhất Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2020 với luận án tiến sĩ xuất sắc Y tế phương Tây ở Bắc kỳ từ năm 1873 đến năm 1945.

PV