Y tế - Giáo dục

Phát huy giá trị cây thuốc Nam trong hỗ trợ điều trị tai biến, đột quỵ

Hiền Trần 09:23 27/02/2024

Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý từ cây thuốc Nam, trong nhiều năm qua, Tiến sĩ, lương y Nguyễn Văn Đạt - chủ Phòng khám Đạt Minh Đường đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, di thực các cây thuốc Nam quý hiếm về trồng và tự tay chăm sóc, nhằm phục vụ cho việc khám chữa bệnh.

Bảo tồn nguồn dược liệu quý

Việc nghiên cứu về cây thuốc Nam đã được tiến hành từ rất sớm, gắn liền với tên tuổi của nhiều danh y nổi tiếng như: Thiền sư Tuệ Tĩnh với bộ “Nam Dược Thần Hiệu” viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ “Lĩnh Nam Bản Thảo” gồm 2 quyển, quyển Thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển Hạ chép 305 vị bổ sung về công dụng của cây thuốc. Theo Đông dược thì thuốc Nam được hiểu là những loại thuốc được trồng, mọc, bào chế và bảo quản. Hầu hết đó là những bài thuốc đã trải qua việc sử dụng thực tế trong dân gian, được người dân sử dụng nhiều năm và được đúc rút lại kinh nghiệm thành nhiều bài thuốc chữa bệnh.

Như bao người thầy thuốc tận tâm, yêu nghề khác, ngay khi từ chiến trường trở về, Tiến sĩ, lương y Nguyễn Văn Đạt đã dày công tìm tòi, nghiên cứu và di thực các cây thuốc Nam quý hiếm về trồng tại vườn. Từ chỗ trồng đơn lẻ, hiện nay ông đã di thực được hàng trăm cây thuốc quý từ khắp mọi miền đất nước về trồng chuyên canh tại vườn. Với ông, vườn cây thuốc Nam ấy như chính sinh mệnh của mình.

nguoihanoi-com-vn-anh-1-2-10-.jpg
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc bào chế các bài thuốc góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát triển và nâng cao hơn nữa giá trị của các cây thuốc

Từ việc áp dụng phương pháp bào chế các bài thuốc theo cách truyền thống của ông cha để lại như: phơi, sấy khô, nghiền nhỏ, ủ lên men vi sinh, nấu thành cao, hoàn tán thành bột để đun uống... đến nay, công thức bào chế các bài thuốc quý đã được đưa vào sản xuất dây chuyền dưới dạng viên, giúp người bệnh dễ bảo quản, dễ sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm được đóng gói theo công nghệ vô khuẩn hiện đại, rất tiện dụng cho người bệnh, đảm bảo giữ được tối đa công năng của các vị thuốc và an toàn, vệ sinh. Hơn nữa, thuốc đóng gói chịu được nhiệt độ cao giữ nguyên được chất lượng, thời gian bảo quản lâu có thể sử dụng tại nhà, nơi làm việc hoặc mang đi công tác xa mà không làm gián đoạn thời gian điều trị của người bệnh.

Phát huy giá trị cây thuốc Nam trong hỗ trợ điều trị tai biến, đột quỵ

Theo Tiến sĩ, lương y Nguyễn Văn Đạt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc bào chế các bài thuốc góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát triển và nâng cao hơn nữa giá trị của các cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những bài thuốc mới từ cây thuốc Nam, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho công việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

z5196153347071_cb7c2d8d85eb1273d8e44c7b7f46799b.jpg
Dung dịch nước ngâm chân được bào chế từ các cây thuốc nam, thích hợp sử dụng vào mùa đông

Lương y Nguyễn Văn Đạt cho hay, với những bệnh nhân tai biến, đột quỵ, tùy mức độ nặng hay nhẹ của người bệnh sẽ có các liệu pháp điều trị khác nhau, thường kết hợp song song các liệu pháp điều trị: Xoa bóp thuốc vào các khớp tay, khớp chân, các vùng bị tê liệt do biến chứng của tai biến. Việc điều trị cho bệnh nhân tai biến đòi hỏi phải kiên trì, việc đốt thuốc sẽ thực hiện một ngày 3 lần, dùng máy sấy làm nóng lên, rồi để thuốc tiếp xúc trực tiếp vùng da bị tê, sức nóng của máy sấy sẽ làm vùng da ửng đỏ đến khi khô thuốc, kết hợp với uống thuốc điều trị. Thuốc xoa bóp là các loại cây thuốc Nam được lấy tại vườn, sau đó chế biến thành men vi sinh để dùng đốt làm giảm đau và giảm tê cứng tại các khớp, mặt khác sẽ giúp lưu thông khí huyết làm tan khí trệ, giúp dẫn thuốc đến các chỗ cần như gan, tụy, máu… làm cho quá trình điều trị nhanh và hiệu quả hơn. Cùng với đốt thuốc xoa bóp, người bệnh sẽ sử dụng thuốc uống chủ yếu là cây thuốc Nam được lương y Nguyễn Văn Đạt trồng tại vườn nhà, được bào chế thành các bài thuốc đặc trị. Thuốc thường là dạng bột rất dễ sử dụng, người bệnh chỉ cần đun sôi, ủ bằng nước nóng là có thể uống.

Trong niềm vui hân hoan của những ngày đầu năm mới, lương y Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Tôi coi sinh mệnh của người bệnh như chính sinh mệnh mình, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người bệnh. Mỗi bài thuốc làm ra, từ việc trồng và chọn nguyên liệu rồi đến việc bào chế thành bài thuốc, tôi đều làm rất cẩn thận, tỉ mẩn. Gần đây nhất, tôi đang điều trị cho trường hợp bệnh nhân đặc biệt, hai người là vợ chồng, người chồng phải ngồi xe lăn nhiều năm (ông Hoành Đình Chiến, 75 tuổi sống tại Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ); người vợ bị liệt một bên do di chứng tai biến 7 năm, tay một bên co cứng đưa ngang trước ngực, nay uống thuốc hai tay co vào duỗi ra bình thường; đến nay đã từ từ ngồi được, đứng được, có người hỗ trợ đã bước đi được. Còn người chồng sau liệu trình điều trị đã có thể đi lại ở khoảng cách gần. Chứng kiến niềm vui của người thân và gia đình, đặc biệt là người bệnh khi tuổi đã xế chiều, tôi càng thấy trân quý hơn công việc của mình”.

Cũng theo thầy thuốc, lương y Nguyễn Văn Đạt, hầu hết những người bị tai biến thì việc đi lại, nói năng rất khó khăn, thậm chí có người còn không thể tự mình làm các sinh hoạt cá nhân. Chính vì vậy, tâm lý họ rất bất ổn, dễ cáu gắt. Chữa bệnh cho người bị tai biến trước hết phải tạo cho họ tâm lý thoải mái, tránh căng cẳng. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc chữa trị thành công cho người bệnh.

Ngày 26/8/2018, thầy thuốc, lương y Nguyễn Văn Đạt đã vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ danh dự do Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University - WRU) cho việc nghiên cứu và tìm ra phương thuốc Nam được để chữa bệnh. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, cố gắng của lương y Nguyễn Văn Đạt trong hành trình chữa bệnh cứu người - hành trình của sự tận tâm, tận lực vì sức khỏe cộng đồng.

Hiền Trần