Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ
Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, sáng ngày 24/2 đã diễn ra tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ”. Tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn mới lạ về mối liên hệ giữa bản lĩnh, bản sắc với những người sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo thi ca nói riêng.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, được làm nên không chỉ bởi một người, một dân tộc. 54 dân tộc trên đất nước chúng ta, mỗi dân tộc mang đến một vẻ đẹp riêng của mình, đặc biệt là trong thi ca. Mỗi một nhà thơ đại diện cho dân tộc mình mang đến một vẻ đẹp thi ca, vẻ đẹp đời sống riêng. Chính sự hiện diện của các nhà thơ dân tộc Kinh, Tày, Mường, Dao, Khmer,… đến từ mọi miền Tổ quốc tại Ngày thơ Việt Nam đã cùng tạo nên bản hòa âm chung cho đất nước.
Theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhắc đến thơ là nhắc đến một loại hình cô đúc, tinh túy, đa nghĩa và hết sức ảo diệu trong văn học. Kiến tạo loại hình ấy hiển nhiên là các nhà thơ. Diện mạo tâm hồn của nhà thơ thể hiện qua toàn bộ hệ thống tác phẩm. Diện mạo tâm hồn có những nét riêng biệt, có những giá trị thì có thể gọi là có bản sắc. Bản sắc là cái không hình thành trong chốc lát, càng không phải có sẵn mà hình thành qua một quá trình.
Còn nhà thơ Hoàng Kim Ngọc thì khẳng định: “Thơ có bản sắc là thơ có thể đại diện được cho mỗi tộc người, mỗi dân tộc, cho đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia khác nhau. Bản sắc nhà thơ còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Đó là yếu tố địa văn hóa, môi trường sống và làm việc; đó là cách nghĩ cách cảm, cách tư duy, cách diễn đạt đặc trưng của tộc người; đó là trường từ vựng, đề tài, cách kiến tạo diễn ngôn, biểu tượng thơ… đủ để đại diện cho quê hương xứ sở, dân tộc, vùng miền, cá tính thơ”.
Minh chứng cho bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ đã được nhiều tham luận đề cập tới qua những gương mặt thơ tiêu biểu như: Chế Lan Viên, Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn,... cùng một số người viết thế hệ sau trong đời sống thơ hôm nay.
Từ thực tế sáng tác và thẩm bình những năm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bộc bạch những trăn trở khi chứng kiến không ít trường hợp từng đột khởi, vụt sáng một chặng. Theo anh, những điều đó, vô hình trung khiến cho thi ca hồn nhiên, hưng phấn và góc cạnh dần chững lại, đều đều, bình bình và lâu dần trở nên mòn mỏi, quen thuộc trong những sáng tác mới.
“Người đọc luôn mong tìm được những gì là mới hơn, lạ thêm từ những tác giả đâu đó đã ít nhiều định hình, những người viết đâu đó từng dũng cảm và kiêu hãnh khẳng định mình. Làm nên điều đó, vẫn luôn là đòi hỏi về việc người viết tiếp tục tích lũy, rèn giũa, thử nghiệm để làm mạnh mẽ hơn cá tính trong sáng tạo của mình sau những gì đã có được. Và làm được việc đó bằng thâm nhập thực tế, nắm bắt những biến động đời sống, mở rộng đề tài, thử sức với những ý tưởng, nội dung về các địa bàn, vùng miền mới, đối diện những vấn đề thời sự, thế sự, những thực trạng tưởng chừng khó tiếp cận và truyền tải qua thơ”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh.
Con đường để trở thành nhà thơ không bằng phẳng mà đầy gian truân. Để có thể đứng vững giữa một bể thơ đa đầy cá tính đòi hỏi mỗi nhà thơ phải nỗ lực để tạo ra cho mình bản sắc riêng. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 khi chat GPT đang ngày càng phát triển, thơ văn được sản xuất hàng loạt đặt ra nhiều thách thức cho các nhà văn nhà thơ. Nếu không có bản sắc riêng biệt, chúng ta sẽ phải rất khó khăn để có thể có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.
Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo tập trung đề cập tới bản lĩnh của nhà thơ, khẳng định từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là một quá trình lao động chữ nghĩa bền bỉ. Bản lĩnh nhà thơ là sự hội tụ năng lực, sức mạnh nội sinh để vượt qua thử thách, khó khăn của cuộc sống đời thường; là ý thức tự giác/ tự trọng khi đề ra một kỉ luật nghiêm túc trong sáng tạo chữ nghĩa; thể hiện ở sự dấn thân cho nghệ thuật, dám vượt lên cái cũ để đổi mới, đột phá, kiên trì bền bỉ xác lập một hướng đi cho thơ mình…
“Đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối. Chính nhờ bản lĩnh, nhờ tài năng, mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập”, nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định.
Ở mỗi giai đoạn thời gian khác nhau, mỗi thời đại khác nhau, mỗi một thế hệ nhà văn (hoặc mỗi một người sáng tạo) đều tìm đến sự khái quát và tiếng nói bản sắc riêng của mình trong những sáng tác về đề tài lớn lao và thiêng liêng này. Chính vì vậy, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, thi ca luôn phải đổi mới cách viết, phải luôn cách tân ngay cả với dạng đề tài có tính lịch sử - chính trị này thì mới làm nên bản sắc đa dạng, đa diện và sâu sắc của thi ca Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, bên cạnh việc khẳng định giá trị của thi ca, sự nhất quán đa dạng trong bản sắc thơ; đề cập tới những khoảng lặng của thi ca, việc giữ gìn bản lĩnh của người cầm bút… không ít tham luận đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý giá trong quá trình sáng tạo nghệ thuật để hình thành bản sắc. Với những người yêu nghệ thuật nói chung và yêu thơ nói riêng, bản sắc là chìa khóa để mở ra cánh cửa giữa nhà thơ với bạn đọc, với thời đại./.