Văn học - Nghệ thuật

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22: Tôn vinh di sản thơ ca của 54 dân tộc trên cả nước

Thụy Phương 16/02/2024 15:42

Diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 sẽ được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Ngày thơ Việt Nam năm nay hứa hẹn mang đến công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của 54 dân tộc trên cả nước

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố về hoạt động Ngày thơ Việt Nam được tổ chức sáng ngày 16/2, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay, Ngày Thơ năm nay được lấy cảm hứng từ chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, với tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Ngày Rằm tháng Giêng (24/2) sẽ diễn ra những sự kiện chính của Ngày Thơ. Mở đầu là tọa đàm: "Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ”, bắt đầu lúc 8h30 với sự tham gia của nhiều nhà thơ, học giả, nhà lý luận phê bình văn học để lý giải về mối quan hệ vừa đồng nhất, vừa riêng biệt giữa bản lĩnh và bản sắc của công việc sáng tạo thi ca.

ngay-tho.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

Đêm thơ mang tên "Bản hòa âm đất nước" được tổ chức tối ngày 24/2, gồm 4 phần: Phần I: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực phía Bắc; Phần II: Các nhà thơ quốc tế tham gia giao lưu và đọc thơ; Phần III: Trình diễn và đọc thơ của các tác giả khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam; Phần IV: Những dư âm còn mãi.

Các tác phẩm được trình diễn trong đêm thơ bao gồm các truyện thơ, sử thi: Bách điểu bách hoa của dân tộc Tày; Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường và Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái. Đây là những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Thơ của 16 tác giả trong nước và quốc tế sẽ do tác giả trực tiếp đọc thơ hoặc được các nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ trình bày. Có thể kể tên một số nhà thơ có tác phẩm tại đêm thơ như: Nông Quốc Chấn, Dương Khâu Luông (dân tộc Tày); Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy); Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí), Lý Hữu Lương (dân tộc Dao), Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm), Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer), Thái Hồng (dân tộc Hoa); Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường); Cầm Giang – Bạc Văn Ùi, Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Phúc Lộc Thành (dân tộc Kinh)...

“Việc chọn lựa nhà thơ để giới thiệu trong Ngày Thơ Việt Nam không phải đơn giản, tiêu chí của chúng tôi là chọn những nhà thơ đang hiện diện, “cất tiếng” như một minh chứng cho dòng chảy thi ca từ quá khứ đến hiện tại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Nhà thơ, đạo diễn Lê Quý Dương – Tổng đạo diễn chương trình cho hay, chủ đề “Bản hòa âm đất nước” đã cho anh nhiều cảm hứng để lên ý tưởng, xây dựng kịch bản với mong muốn tạo động lực, năng lượng, hiệu ứng trong cộng đồng, khán giả.

Theo đó, các sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 sẽ diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, chiếu từ cửa Đoan Môn đến Cột Cờ Hà Nội.

Đêm thơ Nguyên Tiêu tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, nên vầng trăng được chọn làm ngôn ngữ thiết kế không gian mỹ thuật. Cổng thơ là những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày Rằm. Bước qua Cổng thơ là Đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết 1 câu thơ hay do BTC tuyển chọn. Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc.

Tiếp đến là Cây thơ, trên đỉnh cây thơ là một nửa vầng trăng, bên dưới là 54 câu đố thơ được treo trên cành cây. Khán giả có thể tham gia trở đố vui: đọc câu thơ, gọi đúng tên tác giả và nhận phần thưởng. Điểm đến cuối cùng là sân khấu chính một vầng trăng trọn vẹn, kết thúc hành trình của vầng trăng non từ cổng thơ đến nơi diễn ra Đêm thơ.

Năm nay BTC tiếp tục xây dựng không gian Nhà ký ức, là nơi trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Nhà ký ức mang hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, chương trình đêm thơ năm nay là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục..., song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, với mong muốn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn. Điểm nhấn trong đêm thơ còn là màn biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường do các nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc, tương ứng với con số Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, tham gia Ngày Thơ Việt Nam từ lần đầu tổ chức, nhưng ông thích nhất chủ đề của Ngày Thơ năm nay vì đây là nhà dịp tôn vinh nhà thơ các dân tộc. “Chủ đề của Ngày Thơ năm nay là “Bản hòa âm đất nước” nên tiêu chí chọn thơ để tôn vinh trong Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng có sự khác biệt. Chúng tôi thống nhất lựa chọn những câu thơ ấn tượng, rõ bản sắc, hấp dẫn thể hiện bản sắc, mỹ tục… Đó là những câu thơ hay của các nhà thơ 54 dân tộc cùng viết về văn hóa, cảnh sắc, tập tục miền núi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho hay.

Phát biểu tại buổi họp báo, nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh: Qua nhiều lần tổ chức Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành sự kiện được nhiều công chúng chờ đón. Năm nay, ý tưởng thiết kế Ngày Thơ có nhiều nét mới, độc đáo, tạo nên không gian mang ý nghĩa đặc biệt của Ngày Thơ Việt Nam. Ngày Thơ không chỉ mang đến cho công chúng bữa tiệc thi ca phong phú mà còn là dịp để tôn vinh di sản thơ ca, giới thiệu gương mặt thi ca từ quá khứ đến hiện tại cùng những cũng như cây bút nhiều hứa hẹn của các dân tộc thiểu số.

Sự kiện này cũng chính là tiền để Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị cho Liên hoan thơ quốc tế với chủ đề “Chảy về biển lớn” dự kiến tổ chức năm 2025, kéo dài trong 1 tuần lễ./.

Thụy Phương