Lễ hội Chiến thắng Xương Giang trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tỉnh Bắc Giang vừa long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 597 năm Chiến thắng Xương Giang và công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Xương Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hơn 600 năm về trước, vào đúng mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng, bắt đầu từ thượng du Thanh Hóa, đến giữa năm 1426, nghĩa quân tiến ra phía Bắc bao vây thành Đông Quan.
Trước tình hình đó, tướng giặc là Vương Thông một mặt âm mưu giảng hòa, mặt khác phái người về nước cầu cứu viện binh. Triều đình nhà Minh đã quyết định điều 2 đạo viện binh sang tiếp viện. Nắm được mưu đồ của giặc, so sánh lực lượng địch - ta, Lê Lợi đã chọn kế sách “vây thành, diệt viện”. Vây chặt các thành, tập trung lực lượng để tiêu diệt các đạo viện binh sắp tới.
Thực hiện sách lược đó, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cử các tướng tài lên vùng biên ải để chặn đánh viện binh. Đồng thời hợp sức cùng nghĩa quân đánh chiếm các thành địch. Trong các trận bao vây, chiếm thành, gay go và quyết liệt nhất là chiếm thành Xương Giang. Trải qua hơn 6 tháng bao vây bền bỉ, tiến công liên tục, với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, nghĩa quân Lam Sơn và Nhân dân địa phương đã hạ được thành Xương Giang, trước khi viện binh kéo sang nước ta 10 ngày...
Sau chiến thắng Xương Giang, quân Vương Thông ở Đông Quan bị vây hãm lâu ngày vô cùng khiếp sợ, tuyệt vọng không còn kế thoát thân. Vương Thông và các tướng giặc xin giảng hòa, thực chất là đầu hàng. Cuối tháng 12 năm 1427, chúng phải trao trả tất cả các thành còn lại và rút quân về nước, mở ra thời kỳ thái bình của quốc gia Đại Việt.
Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang là điển hình của nghệ thuật quân sự “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Chấm dứt 20 năm đô hộ bạo tàn của Nhà Minh, mãi mãi trở thành một dấu son chói lọi, viết thêm trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Để mừng chiến thắng quân Minh, năm 1428, sau khi lên ngôi, vua Lê Lợi đã mở hội khao quân, tuyên đọc “Đại cáo Bình Ngô”. Trong đó, ở Kinh Bắc có trụ sở là thành Xương Giang cũng được hưởng lộc và tổ chức lễ hội lớn, để cáo tế trời đất ban phúc lộc cho Nhân dân.
Từ đó về sau, Nhân dân địa phương tổ chức rước lễ vật về thành Xương Giang làm lễ tế, mở hội ăn mừng chiến thắng, dâng hương tưởng nhớ tới các anh hùng, nghĩa sỹ Lam Sơn và nối tiếp cho đến nay cứ vào dịp đầu xuân (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng), lễ hội được duy trì ở quy mô cấp thành phố, mang giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Giang.
Kể từ năm 1998 đến nay, Lễ hội Xương Giang đã được tổ chức với quy mô cấp thành phố. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang (thành phố Bắc Giang) là di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết về việc đưa Lễ hội truyền thống Xương Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội kỷ niệm 597 năm chiến thắng Xương Giang là sự tôn kính, ghi nhớ công ơn của các hiền tài và nghĩa sĩ, người dân Xương Giang - Bắc Giang đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng này.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong nhiều năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, mở rộng không gian đô thị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Bắc Giang đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, lễ hội Xương Giang nói riêng.
Từ năm 1998 đến nay, lễ hội Xương Giang được tổ chức hằng năm với quy mô cấp thành phố ngay tại khu vực diễn ra trận chiến Xương Giang xưa để thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn đối với các bậc hiền tài, nghĩa sĩ và nhân dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu với đông đảo nhân dân, quý khách gần xa về mảnh đất Bắc Giang văn hiến - cách mạng - anh hùng, về con người Bắc Giang thân thiện và mến khách.
Đặc biệt, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong năm 2023 vừa qua, UBND thành phố Bắc Giang đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, các nhà khoa học và chuyên gia trong nước triển khai lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Xương Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau một thời gian nỗ lực, cố gắng thực hiện; đến ngày 10/11/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có Quyết định số 3443/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội truyền thống Xương Giang, thành phố Bắc Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khu di tích Xương Giang được xây dựng trong 5 năm trên diện tích khuôn viên 10 ha, với mức tổng kinh phí đầu tư trên 230 tỷ đồng. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử mang đậm tính nhân văn, là nơi để thế hệ hôm nay và mãi mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công giữ nước./.