Đầu tư cho văn hóa cấp thiết lắm rồi, cần chọn phát triển “kinh tế văn xã” làm trụ cột

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 13:53, 05/11/2020

Thảo luận tại hội trường chiều 4/11, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn TP Hà Nội) đề cập đến vai trò, vị trí to lớn, đặc biệt quan trọng của văn hóa.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, tại Kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ này, nhiều cử tri ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị tiếp tục kiến nghị Quốc hội về tình hình đạo đức, văn hóa, xã hội hiện nay có nhiều bất cập. Đầu tư cho văn hóa không chỉ cần thiết mà cấp thiết lắm rồi. Đầu tư ở đây không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn là nhận thức, quan tâm thực chất của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở cho con người, xã hội có văn hóa nề nếp, quy củ; cho những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng được chú trọng như những chiến sĩ trên các “mặt trận” khác; cho tiếng nói đại diện cho văn hóa và du lịch ở Quốc hội được nhiều hơn, trí tuệ và mạnh mẽ hơn.
Đầu tư cho văn hóa cấp thiết lắm rồi, cần chọn phát triển “kinh tế văn xã” làm trụ cột
 Các đại biểu tham gia thảo luận chiều 4/11.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cám ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần trả lời chất vấn của ông về văn hóa, rất thuyết phục và đã có lộ trình trong đầu tư cho văn hóa những năm tới, ít nhất là 1,8% tổng chi ngân sách theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10.
Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách rất hay, rất đúng về văn hóa của Đảng, của Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Hưng kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng Luật Văn hóa. Trước mắt cần có Nghị quyết về văn hóa cũng như các nghị quyết trước đây của Quốc hội về giáo dục và khoa học công nghệ, để thể hiện sự quan tâm, chú trọng thực chất văn hóa; để luật hóa chính sách của Đảng, Nhà nước, buộc các cơ quan, các cấp, các ngành thực hiện. Có như vậy, văn hóa mới thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước.
Phát triển “kinh tế văn xã” chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép
Nêu quan điểm về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng tiếp tục kiến nghị: cần đầu tư phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp y tế, kinh tế, giáo dục, kinh tế thể thao và du lịch tạm gọi chung là “kinh tế văn xã”. Đây là những ngành nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, chưa khai thác và phát huy được nhiều, nhất là nguồn nhân lực với 100 triệu người dân Việt trong và ngoài nước rất cần cù, thông minh, nghị lực và yêu nước.
Đầu tư cho văn hóa cấp thiết lắm rồi, cần chọn phát triển “kinh tế văn xã” làm trụ cột
Phát triển “kinh tế văn xã” chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid -19 và các loại virus độc hại khác cho sức khỏe và con người, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, không chỉ có những con người Việt Nam toàn diện đức, trí, thể mỹ; có một xã hội văn minh, nề nếp, dân trí văn hóa cao, mà còn rất hiệu quả về kinh tế.
Nêu minh chứng về văn hóa như Văn Miếu Quốc Tử Giám được đầu tư xây thêm vào năm 2000 với khoảng 18 tỷ đồng, thì thu ngân sách đã tăng từ 300 triệu năm đó lên hơn 40 tỷ đồng vào năm ngoái. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng khẳng định, lợi ích về giữ gìn di sản văn hóa, quảng bá truyền thống văn hiến đất nước, con người, du lịch Việt Nam là không đo đếm được, tiền thu được không ít. Nếu thống kê trên phạm vi toàn quốc và các lĩnh vực khác của kinh tế văn hóa, chắc chắn số thu sẽ rất lớn.
Về giáo dục, ước tính học sinh Việt Nam du học nước ngoài chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Theo đại biểu, nếu chúng ta đầu tư phát triển mạnh cho giáo dục nước nhà đạt tầm quốc tế thì không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao, thu hút nhiều học sinh trong và ngoài nước, mà còn giảm “chảy máu” ngoại tệ, chất xám ra nước ngoài, lại tăng thu từ đào tạo sinh viên quốc tế. Cũng như văn hóa, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Bởi vì, giáo dục văn hóa đều nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức con người, mà nguồn lực con người ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong hoạt động kinh tế.
Về y tế, ước tính có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, làm đẹp với chi phí hơn 2 tỷ USD mỗi năm. Nếu nửa số người trên điều trị trong nước chúng ta đã tiết kiệm gần 1 tỷ USD một năm. Vậy tại sao trình độ bác sĩ của nước ta ngày càng cao, có nhiều thành tựu được thế giới công nhận, các thiết bị kỹ thuật từ nha khoa, thẩm mỹ đến phẫu thuật, nội soi, ung bướu, ghép tạng tại Việt Nam đều có chất lượng không thua kém, giá dịch vụ thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, mà người Việt vẫn phải lận đận ra nước ngoài điều trị kèm theo người nhà chăm sóc? Tại sao công nghiệp dược chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, khi tiềm năng của chúng ta là rất lớn? Sau thắng lợi chống dịch Covid - 19, y tế Việt Nam lại càng thêm uy tín trên trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Hưng tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, với quyết tâm cao của tân Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành công nghiệp y tế và công nghiệp dược sẽ được đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm tới để Việt Nam thành cường quốc y tế, vừa phục vụ tốt sức khỏe đồng bào, vừa phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng mong muốn Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn về văn hóa cùng “kinh tế văn xã”, sẽ chọn phát triển kinh tế văn xã làm trụ cột, là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước, để chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam ngay trong 10 năm tới.
Ông Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh: “Toàn xã hội, cử tri cả nước tin tưởng Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách tốt nhất, hiệu quả nhất để văn hóa Việt Nam tỏa sáng, soi đường, để kinh tế văn xã phát triển, góp phần cho một Việt Nam thịnh vượng”.

KTĐT