Lễ hội Nàng Han là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái Mường Chiềng Ván xưa, nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội nhằm tỏ lòng biết ơn Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đã đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn.
Ngày 14.2 (tức ngày mùng 5 Tết), tại thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nàng Han.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng trao chứng nhận công nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Nàng Han cho lãnh đạo huyện Thường Xuân và xã Vạn Xuân.
Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái Mường Chiềng Ván xưa, nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội nhằm tỏ lòng biết ơn Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đã đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn.
Lễ hội gồm hai phần: Tế lễ trong hang Mường và phần hội với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của tộc người Thái như: ngữ văn truyền khẩu (truyền thuyết Nàng Han); các tập quán xã hội và tín ngưỡng (thờ cúng, làm đồ tế lễ); các tri thức, văn hóa dân gian về ẩm thực thể hiện qua các lễ vật cúng. Lễ hội mang đầy đủ quy cách của một lễ hội dân gian truyền thống từ cách thức làm đồ tế lễ; cách phân định, phân công trong thực hành tế lễ...
Phần hội diễn ra ở ngoài hang Mường. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian như đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... Đây là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Thông qua lễ hội, nhân dân trong xã được giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.
Lễ hội Nàng Han ngoài giá trị văn hóa, lịch sử còn mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ con, cháu về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa của địa phương.
Cùng với Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nàng Han, từ ngày 12 -14.2 (tức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Lễ hội Nàng Han năm 2024 đã được huyện Thường Xuân tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia./.