Văn hóa - Xã hội

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội chùa Keo mùa Xuân Giáp Thìn 2024

Đình Thế 13/02/2024 22:05

Lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), một trong những lễ hội được tổ chức vào ngày đầu xuân năm mới, đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân địa phương và du khách trên mọi miền.

chua-keo2.jpg
Lễ hội chùa Keo mùa Xuân 2024 sẽ được tổ chức trong 4 ngày. Ảnh: Nam Hồng

Sáng 13/2, tại Tòa giá roi Khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Xuân 2024.

Là một trong số lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu tiên của năm mới, năm nay lễ hội chùa Keo mùa Xuân ở ngôi chùa cổ kính gần 400 năm tuổi diễn ra trong 4 ngày (13/2 đến 16/2) với đa dạng hoạt động, đem đến nhiều niềm vui và may mắn cho du khách khi về dâng hương tế lễ tại nơi đây.

chua-keo8(1).jpg
Hội thi thổi lửa nấu cơm là một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội chùa Keo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Nam Hồng

Lễ hội chùa Keo mùa xuân 2024 diễn ra theo tục lệ cổ truyền với nghi lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh được tổ chức trang trọng, ghi nhớ công đức của Thiền sư Dương Không Lộ.

Đến lễ hội chùa Keo mùa Xuân, du khách được tận hưởng không khí của đất trời, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ngôi chùa cổ kính và tham gia phần hội với nhiều trò chơi dân gian gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp như: trống hội; chạy giải, kéo lửa thổi cơm thi; du thuyền hát hội…

chua-keo5.jpg
Lễ hội chùa Keo với nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh: Nam Hồng

Đã thành định lệ, năm nào lễ hội chùa Keo mùa xuân được tổ chức, các giáp trong làng Keo cũng cử ra 4 đội, mỗi đội 8 người. Hội thi thổi cơm thi gồm 2 công đoạn: chạy giải và thổi cơm. Trong đó, 2 người có sức khỏe, nhanh nhẹn và sức bền tốt tham gia thi chạy giải, các thành viên đều phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong từng công đoạn từ kéo lửa đến thổi cơm.

Ban giám khảo sẽ chấm điểm mâm cơm nào đạt các tiêu chí cơm chín, xôi rền, chè sánh, vệ sinh sạch sẽ để tuyên bố thắng cuộc và dâng lên lễ Thánh. Người dân làng Keo tin rằng tham gia hội thi là được Đức Thánh phù hộ nên tục lệ này đã được người dân nơi đây đời nối đời trao truyền qua bao thế hệ và năm nào cũng tranh tài.

Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội năm nay là nghi thức múa rối cạn chầu Thánh được phục dựng sau nhiều năm bị gián đoạn nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách.

thai-binh-le-hoi-chua-keo-mua-xuan-san-sang-don-khach-151659545.jpg
Du thuyền hát hội tại lễ hội chùa Keo Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

Hoạt động phần hội: màn trống hội, chạy giải thổi cơm thi, du thuyền hát hội; buổi chiều có bắt vịt dưới hồ. Các hoạt động phần hội được bổ sung trong mùa lễ hội năm nay là biểu diễn múa rối nước của phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng), khai bút đầu xuân, liên hoan văn hóa làng, giải cờ tướng, giao lưu các câu lạc bộ chèo... Đây cũng là lần đầu tiên rối cạn chầu Thánh, khai bút ban chữ đầu năm được tổ chức ở ngôi chùa cổ kính hơn 400 năm tuổi./.

Đình Thế