Văn hóa – Di sản

Thưởng lãm hai di tích ở Cố đô Huế in trên tờ tiền 50.000 đồng

Hương Giang 10/02/2024 16:01

Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình (TP Huế) là hai di tích nổi tiếng biểu tượng cho kiến trúc di sản Huế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn in trong tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng.

anhphuvanlau.jpg
Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình (TP Huế) nhìn từ trên cao (ảnh: Thừa Thiên Huế).

Trên trục chính của Hoàng thành Huế, từ Kỳ đài nhìn ra sông Hương có hai công trình kiến trúc rất duyên dáng tô điểm cho Kinh thành Huế là Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình (TP Huế). Đây là hai di tích nổi tiếng biểu tượng cho kiến trúc di sản Huế và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn in trong đồng tiền mệnh giá 50.000 đồng.

Phu Văn Lâu (hay còn gọi là lầu Phu Văn) được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long và dùng làm nơi công bố các chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng thi Hội, thi Đình cho dân chúng. Phu Văn Lâu là một tòa nhà lầu cao 11,67m, mái lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly), tòa nhà có 16 cột sơn màu đỏ sậm (4 cột chính xuyên suốt cả hai tầng, 12 cột quân), có hệ thống lan can bao xung quanh. Phu Văn Lâu đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.

z5148328108393_210a86c6bf043d58895e839d979490bd.jpg
Du khách đến chụp ảnh kỷ niệm tại Phu Văn Lâu.
z5148331921299_c4a221d7f5c8a98fd85d104a8e423216.jpg
Cột cờ Hoàng Thành Huế phía sau Phu Văn Lâu.
z5148332526915_d1894edd3b5a75a1022a684d2f552e11.jpg
Hình ảnh Phu Văn Lâu.
z5148330019886_464a6284b608d3fdcb1427a3c212ae03.jpg
Phu Văn Lâu về đêm rực sáng.
z5148334323946_84d2341637bcbef9aa426fbd425d9c4d.jpg
Trên trần tòa Phu Văn Lâu.

Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn nằm sát bờ sông Hương và ở phía trước Phu Văn Lâu, trên trục dũng đạo của Kinh Thành Huế. Khi mới được khởi dựng, Nghinh Lương Đình được gọi là Lương Tạ và một phần của hành cung Hương Giang, dùng làm nơi hóng mát hoặc nghỉ chân của nhà vua trước khi lên thuyền rồng du ngoạn.

Nghinh Lương Đình là một bộ phận không thể tách rời trong cụm kiến trúc Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình in đâm trọng ký ức, tâm hồn người dân xứ Huế. Xét tổng thể, Nghinh Lương Đình có kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái với phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài. Bộ khung gỗ ở phần trên, nhất là các vì vỏ cua, hệ thống liên ba được chạm trổ công phu.

Theo một số tư liệu có ghi chép, thời kỳ đầu Nghinh Lương Đình được sử dụng làm nơi hóng mát, nghỉ ngơi cho nhà vua trước khi xuống thuyền. Về sau công trình trở thành sân khấu trình diễn kịch cho công chúng xem vào các dịp lễ lớn.

z5148333469827_04811bd3f75de8d2c7b07f366c21d835.jpg
Toàn cảnh Nghinh Lương Đình.
z5148332217102_5278bd02104638579bb26033cdf4bbb7.jpg
Du khách vào Nghinh Lương Đình tham quan.
z5148333868253_03522c71ddc3635991941ab8e321f3ad.jpg
Trên trần di tích Nghinh Lương Đình.
z5148330308262_574d9f1a3fffe7715605295305dd1ff8.jpg
Tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng in di tích Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình (TP Huế).

Hai di tích Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình (TP Huế) nằm trong Quần thể di tích Cố Đô Huế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lựa chọn in trong đồng tiền mệnh giá 50.000 đồng với hình ảnh chụp từ trên cao xuống và hướng ra sông Hương. Hiện nay, di tích Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình là nơi để người dân cũng như du khách đến tham quan, chụp ảnh kỷ niệm… hoặc địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội…

Hương Giang