Nhớ một nhà báo nữ tài ba và tâm huyết
Tin tức - Ngày đăng : 10:22, 20/06/2022
Trong cuộc đời làm báo, tôi đã nhận được sự cộng tác của hàng trăm cộng tác viên xuất sắc chuyên sâu mảng văn hóa xã hội, trong đó có nhà báo Nguyễn Thị Tịnh. Dù bà đã rời xa cõi tạm 10 năm trước, nhưng tôi hằng vẫn nhớ tới bà. Nhớ rất nhiều!
Sự kiện cuối cùng mà tôi còn được cộng tác với nhà báo Nguyễn Thị Tịnh là tại kỳ Liên hoan ẩm thực Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội năm 2011, khi tôi là thành viên ban tổ chức liên hoan và bà được mời trong ban giám khảo chấm thi cùng nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng Đinh Bá Châu. Bà từng trong vai Phó ban giám khảo nhiều cuộc liên hoan ẩm thực của thành phố hay các liên hoan ẩm thực các hội đoàn thể. Thẩm định tinh tế, quyết định dứt khoát, không ai có thể chạy chọt hay lung lạc nổi - đó chính là những phẩm chất của vị giám khảo đặc biệt này. Nhưng đấy chỉ là một trong những nét nổi bật trong tính cách của bà. Có một kỳ đi đón bà để thực hiện phóng sự, khi chỉ nhìn thoáng thấy bà vẫy tay chỉ chỗ đỗ xe, anh lái xe giàu tâm hồn thi sĩ Tấn Nguyên Cương của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội vừa mới gặp bà lần đầu, mà đã nói với tôi một câu mà tôi còn nhớ mãi:
- Cái vẫy tay này là cái vẫy tay của một người đàn bà rất giàu ưu thế và quyền lực đấy.
Nhà báo Nguyễn Thị Tịnh (thứ hai từ phải qua) từng là giám khảo nhiều liên hoan ẩm thực do thành phố và các hội đoàn thể tổ chức.
Với bà, nhà báo Nguyễn Thị Tịnh, những ngày tháng ba hằng năm không phải là những ngày tháng đặc biệt. Kể cả là dịp lễ hội mồng 8/3. Kể cả khi người chồng thân yêu của bà còn tại thế. Cuộc chiến tranh liên miên đã khiến cho ông thường xuyên phải xa nhà ra mặt trận, không có điều kiện để gần gũi, chăm sóc vợ con. Nhớ lại, trong cuộc đời làm vợ, bà chưa từng được nhận một bó hoa hay là một món quà 8/3 nào từ ông. Nhưng không phải vì thế mà tình cảm vợ chồng của ông bà lại kém phần sâu đậm, thắm thiết.
Chồng bà, Đại tá - Phó Giáo sư Nguyễn Anh Bắc là một nhà giáo chuyên nghiên cứu khoa học quân sự từng tu nghiệp tại Cộng hòa Liên bang Xô Viết cũ. Nhưng từ thời mới bước vào quân ngũ đến lúc đi xa, ông đã hai lần lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Trong những năm ông xa nhà đi khắp các chiến trường, như bao người vợ lính trên đất nước, bà Tịnh một mình tần tảo nuôi con và gánh vác công việc cơ quan. Từ một nhà giáo tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành Văn - Sử, sau chuyển thành một phóng viên chiến tranh công tác ở Cục Thông tin, bà đã lao vào học tập nghiệp vụ báo chí, tốt nghiệp thêm Đại học Ngoại ngữ chuyên ngành Anh văn. Cuộc sống vất vả, gian nan nhưng vô cùng sôi động và vui vẻ.
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1975, Đại tá - Phó Giáo sư Nguyễn Anh Bắc chuyên tâm vào công tác nghiên cứu khoa học quân sự chuyên ngành kinh tế quốc phòng của Viện Chiến lược quân sự Việt Nam. Song chiến tranh đã để lại một hậu quả hết sức nặng nề cho bản thân ông và cho gia đình, vợ con. Ông mất sớm vì di chứng chất độc da cam đã đành. Cô con gái út mang tên Quỳnh Hoa sinh ra sau ngày đất nước thống nhất không được lành lặn. Quỳnh Hoa cũng đã bị nhiễm chất độc da cam do người cha mang về từ chiến trường miền Nam. Và cho đến mãi sau này, cô gái tàn tật mồ côi cha vẫn chôn chặt một nỗi đau đớn khôn cùng trong lòng bà mẹ và những người thân yêu trong gia đình.
Chồng đau, con bệnh, đều thuộc diện vô phương cứu chữa. Đã có một thời, công việc và chỉ có công việc dường như mới có thể khiến cho nhà báo Nguyễn Thị Tịnh nguôi quên đi những nỗi đau buồn riêng tư. Song sự thực, công việc và gia đình luôn là hai mảng gắn liền của cuộc đời, mà bà không thể nào bỏ bê, trễ nải. Ai đó gần gũi lâu năm, mới có thể hiểu được duyên do của những gắng gỏi dường như vô hạn của bà, kể cả khi bà đã ở vào lứa tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi thư thả, thanh nhàn. Bản năng và thiên chức của người vợ, người mẹ bao giờ cũng vẫn là điều nổi trội hơn hết. Vốn là một phụ nữ Hà Nội gốc, được sinh ra trong một gia đình nề nếp, thời con gái theo học tại trường nữ sinh Trưng Vương danh tiếng, bà có cách thu xếp gia đình sao cho ổn thỏa, ấm êm. Sau khi bà mất, hai người con đầu của bà đã thay mẹ chăm sóc người em khuyết tật.
Một nghị lực vượt khó phi thường. Hơn thế nữa, ở bà Tịnh, đó còn là một khả năng làm việc giỏi giang và bền bỉ. Kể từ khi về nghỉ hưu, dường như khả năng ấy lại bộc phát một cách bất ngờ, khiến cho nhiều người lấy làm ngạc nhiên. Nhiều năm liền, nhà báo Nguyễn Thị Tịnh đồng thời đương chức trưởng ban trị sự của cả hai tờ tạp chí Dân tộc và Thời đại, trực thuộc Ủy ban Dân tộc Quốc hội và tạp chí Văn hóa và nghệ thuật ăn uống của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Làm công tác trị sự ở một tòa báo hay tạp chí ở thời buổi bùng nổ thông tin này thật không phải là điều đơn giản, dễ dàng. Nếu không nói là quá đỗi nhọc nhằn, khó khăn. Số lượng phát hành cao của hai tờ tạp chí, đặc biệt là tờ tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống có một thời đã tạo lập được một vị trí vững chãi trong công chúng. Như vậy hẳn có một phần công sức của nhà báo Nguyễn Thị Tịnh, tháo vát, nỏ nom trong những cố gắng chung của tập thể cán bộ biên tập phóng viên của tòa báo.
Sau ngày bà Tịnh qua đời, tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống cũng chỉ gắng gượng được một thời gian ngắn nữa. Tất nhiên do nhiều nguyên nhân, kể cả là xu thế báo in thu hẹp trước sức mạnh báo điện tử. Nhưng thật là đáng tiếc!
Thời còn sôi nổi, bà Tịnh còn là linh hồn của các hoạt động văn hóa xã hội của tòa báo, mà một trong những mục đích của các hoạt động ấy, chính là để khuếch trương thanh thế và vai trò của tạp chí trước công luận.
Tạp chí Văn hóa và nghệ thuật ăn uống - nơi nhà báo Nguyễn Thị Tịnh từng gắn bó và dành nhiều tâm sức.
Đơn cử như việc tổ chức các hội thi bữa cơm gia đình nhằm trau dồi thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ trong gia đình vào các dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10. Hoặc như việc tổ chức các hội chợ ẩm thực, nhằm làm sống lại những nét văn hóa tinh thần cao đẹp của cha ông ta trong lĩnh vực độc đáo này. Đặc biệt là nghệ thuật ẩm thực của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Miệng nói tay làm, đó là một đặc điểm nổi trội ở nhà báo Nguyễn Thị Tịnh từ khi còn trẻ tuổi, đến tận khi đã ở tuổi nghỉ hưu ngoài chục năm. Nhưng hiệu quả công việc luôn đạt ở mức cao, đó mới chính là điều đặc biệt ở độ tuổi của bà, mới là điều quý giá mà không dễ ai đã có thể học theo ngay cả đối với các phóng viên trẻ tuổi.
Và chính nhà báo Nguyễn Thị Tịnh, từ bao năm, cũng đã trở thành một cộng tác viên thân tín của tiểu mục Văn hóa ẩm thực và văn hóa ứng xử trong chương trình Hà Nội chúng ta của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Nhất là khi các phóng viên bản đài thực hiện những chương trình giới thiệu về các món ăn dân tộc cổ truyền như trám thu, cuốn tôm, bún thang... hay giới thiệu về những phong tục tập quán, cùng những phép tắc ứng xử gia đình, xã hội của phụ nữ Hà Nội xưa và nay.
Qua bà Tịnh, tôi còn được làm quen với những người bạn thời nữ sinh Trưng Vương tuyệt vời của bà, những người phụ nữ Hà Nội gốc tài hoa, lịch lãm, đảm đang, mẫu mực, từ đó, phát triển thêm hàng chục đề tài về văn hóa Hà Nội cho chương trình Hà Nội của chúng ta. Nhớ nhất là cuốn phim tài liệu “Di sản của một nhà giáo Hà Nội”, kể chuyện về nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn, một trong những người thầy đáng kính của trường Trưng Vương một thời.
Điều đáng quý nữa, là dù nhuận bút của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội khi ấy mỗi bài phóng sự cao nhất cũng chỉ 500.000 đồng, có khi không đủ tiền mua đạo cụ, thịt thà, rau cỏ rồi củi lửa, nhưng giúp được là bà giúp, không bao giờ kỳ quản ít nhiều. Nghĩ lại mà ứa nước mắt...
Có thể nói, không chỉ là một cộng tác viên, bà Tịnh còn là vị cứu tinh cho tiểu mục Hà Thành đặc sản trong chương trình Hà Nội của chúng ta phát sóng đều đặn mỗi sáng chủ nhật hằng tuần trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; khi mà các phóng viên bí đề tài mà không nhờ được ai tổ chức sản xuất thực hiện trên hiện trường giúp cho.
Những ngày bà Tịnh lâm bệnh hiểm nghèo nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Xô, khi tôi vào thăm, bà vẫn vui vẻ bàn tới kế hoạch chấn hưng tờ tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống, khiến tôi xiết bao khâm phục, ngưỡng mộ và đan xen cũng ngần ấy ngậm ngùi, thương cảm. Bà Tịnh sinh năm 1937 và mất năm 2012. Năm nay là dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh và 10 năm ngày mất của bà. Sao mà thời gian trôi quá nhanh như thế...
Quý khán giả có khi nào từng được thưởng thức những món ăn Hà Nội một thời tưởng như đã thất truyền như mắm rươi, cuốn tôm hay bánh cuốn, bún thang, trám nhồi do chính tay bà Tịnh cùng những người bạn bè thời nữ sinh Trưng Vương tài khéo tự tay nấu nướng và trình bày chưa? Nếu chưa, đó là những thiệt thòi thật đáng kể. Còn những người thưởng thức qua màn hình thì đương nhiên rồi. Sao mà có thể quên được đây?