Nhịp sống Hà Nội

Xôi Phú Thượng Món quà quê giữ lửa truyền thống của người Hà Thành

Thu Trang 09/02/2024 19:44

Từ nghề của làng, đến nay, làng xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) được công nhận là làng nghề truyền thống nức tiếng Hà Thành với thức quà thanh tao, dân dã cuốn hút, khiến ai một lần từng thử đều nhớ mãi.

pt3.jpeg
Xôi ngũ sắc - thức quà thanh tao của người dân Hà Thành.

Lời ca tiếng hát vang vọng cả làng Gạ (tức làng xôi Phú Thượng) như lời chào với những vị khách phương xa lần đầu đặt chân tới ngôi làng được ưu ái có dòng sông Hồng êm đềm chảy qua. Về làng Gạ, ai ai cũng nhắc nhau rằng:

“Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi”

Theo đó, phường Phú Thượng là vùng đất vốn được hợp thành từ ba ngôi làng cổ là làng Bạc (Thượng Thụy), làng Gạ (Phú Gia) và làng Xù (Phú Xá). Làng Gạ nhờ được ưu ái dòng sông Hồng nên đất đai phì nhiêu, màu mỡ đã tạo nên giống nếp cái hoa vàng, nếp nhung mà khó ở vùng nào sánh được.

Nhắc về làng xôi Phú Thượng, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng tự hào lắm. Tự hào vì Làng nghề nấu xôi Phú Thượng đã được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2016, đến năm 2018 thì “Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng” được ra đời. Đến năm 2019, nhãn hiệu Xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

pt1.jpeg
Xôi Phú Thượng có từ lâu đời, năm 2019, làng xôi Phú Thượng chính thức đón nhận thương hiệu Làng nghề truyền thống. (Ảnh: N. Hoa)

Hiện nay, toàn phường Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, phụ nữ chiếm 95% và nhiều gia đình 5-6 thế hệ nối nghiệp nhau. Trung bình 1 ngày, làng xôi Phú Thượng sẽ sử dụng hết khoảng 10 tấn gạo, vào các ngày mùng 1, hôm Rằm, Lễ Tết sẽ tăng gấp 2-3 lần, đem lại thu nhập ổn định cho người dân làng nghề. Xôi Phú Thượng cũng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của TP Hà Nội.

Hằng năm, từ rằm tháng Chạp (15/12 Âm lịch) trở đi, người dân ở Phú Thượng bắt đầu tất bật với việc thổi xôi, cung cấp đi khắp nơi. Bà Tuyến cho biết, vào những ngày cận Tết, ví dụ như ngày rằm, ngày ông Công ông Táo, ngày 30 Tết, mùng 1 Tết, số lượng xôi bán tăng gấp 4,5 lần là ít. Do vậy, đối với những người dân làng Phú Thượng, những ngày Tết là những ngày “hoạt động hết công suất”. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải thổi xôi “xuyên đêm”.

“Nếu như ngày thường, gia đình tôi thường dậy từ 2h sáng để chuẩn bị đồ xôi để kịp 5h sáng chuyển lên phố Bát Đàn bán lẻ, thì những ngày cận Tết, việc đồ xôi là bất kể ngày đêm, hết nồi này lại nấu sang nồi khác, phải chạy đua với thời gian để kịp đơn đặt hàng”, bà Loan cho biết.

pt4.jpeg
Nghề nấu xôi đã mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân, đó cũng là niềm tự hào của người dân Phú Thượng.

Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đến tận ngày 30 Tết, người dân làng Phú Thượng vẫn tất bật đồ xôi đưa ra thị trường. Đặc biệt, nhờ tục lệ đi lễ cầu may đầu năm mới mà nhiều hộ làm nghề truyền thống tại đây đã quen thuộc với việc thổi các loại xôi sặc sỡ sắc màu, để phục vụ nhu cầu đi lễ của người dân.

Phú Thượng hôm nay đã đổi mới, làng xôi cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đã trở thành động lực to lớn, giúp cho những người con làng Gạ quyết tâm, đồng lòng gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại.

xpt.jpeg
Xôi Phú Thượng trở thành một trong những món ăn nổi tiếng của đất Hà Thành.

“Mời ai hãy đến, hãy đến Phú Thượng quê tôi
Chốn đây, bến sông, cây gạo
Nhân dân Phú Thượng vinh dự đón Bác 3 lần
Ta nhớ suốt đời không quên, ta mãi khắc ghi trong tim”

Thu Trang