Nhịp sống Hà Nội

Mùa Tết ở làng bánh chưng Tranh Khúc

Phạm Hoa 07/02/2024 08:59

Tháng Chạp về là lúc làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vào vụ Tết. Từ con đê sông Hồng dẫn vào làng nghề hơn cây số, hương vị bánh chưng Tranh Khúc đã tỏa khắp không gian. Người dân tất bật rửa lá dong, vo gạo, thái thịt… là hình ảnh quen thuộc tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc bao năm nay, nhất là ngày Tết đã cận kề.

imaage.jpg

1. Tranh Khúc là làng nghề bánh chưng nức tiếng của Hà Nội và vùng đất này đối lập hoàn toàn với nơi phố thị náo nhiệt cùng các tòa nhà cao tầng. Nét đẹp của vùng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng còn hiện hữu ở Tranh Khúc với cây đa, bến nước, sân đình, người dân lại chất phác và hồn hậu, dễ gần dễ mến.

Gặp thủ từ Nguyễn Văn Thêm tại đình làng nghề truyền thống Tranh Khúc, ông Thêm tự hào chia sẻ, nghề làm bánh chưng nơi đây đã có hàng trăm năm nay, gắn với truyền thuyết về công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy (thời nhà Lý) cùng hai thị tỳ là Quỳnh Hoa, Quế Hoa. Thời thế đã có những biến đổi nhưng người dân Tranh Khúc từ đời này qua đời khác vẫn giữ nghề gói bánh chưng, việc làm bánh diễn ra quanh năm, trở thành công việc chính đem lại thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình. Trong các ngày rằm, ngày lễ truyền thống, đặc biệt từ tháng Chạp đến gần Tết cổ truyền, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc nhộn nhịp nhất, sôi động nhất.
Đặt chân đến thôn Tranh Khúc thời điểm năm hết Tết đến, hiện lên trước mắt khách phương xa là cảnh “người người, nhà nhà” làm bánh chưng. Hơn 200 hộ gia đình ở Tranh Khúc lúc nào cũng rền vang tiếng nói cười, xe cộ ra vào tấp nập chở nguyên liệu làm bánh, chở sản phẩm cung ứng ra thị trường. Những sân nhà của các hộ gia đình tại Tranh Khúc dường như không còn khoảng trống bởi các cuộn lá dong, gạo trắng, những bó lạt, mâm đậu vàng…

banh-chung-tranh-khuc-h2.jpg

Anh Nguyễn Duy Thành - chủ cơ sở sản xuất bánh chưng lớn nhất nhì thôn Tranh Khúc chia sẻ, đã nối nghề gần 20 năm từ ông bà, cha mẹ. Từ xưa đến nay, Tranh Khúc là “vựa bánh chưng” của Thủ đô Hà Nội, nhất là dịp Tết cổ truyền. Ngày thường, lượng bánh chưng cung ứng ra thị trường khoảng vài trăm chiếc, nhưng từ tháng Chạp và giáp Tết thì hầu hết các hộ làm bánh chưng tại Tranh Khúc phải “chạy” hết công suất, tất bật đêm ngày mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường và đơn đặt hàng tăng cao.

Thủ từ Nguyễn Văn Thêm bộc bạch, mỗi một làng nghề có thương hiệu riêng và Tranh Khúc cũng không ngoại lệ. Nguyên liệu làm bánh chưng tại Tranh Khúc cũng như bao nơi khác trên dải đất hình chữ S, gồm có lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Song bánh chưng làng nghề truyền thống Tranh Khúc nức tiếng xa gần, được nhiều nơi lựa chọn trong ngày lễ tết để dâng cúng ông bà tổ tiên, bởi lẽ, người dân Tranh Khúc không dùng khuôn mà vẫn giữ cách gói tay thủ công, chiếc bánh sắc cạnh, vuông tám góc. Hàng trăm chiếc bánh chưng qua đôi bàn tay khéo léo, nhanh thoăn thoắt của người dân Tranh Khúc gói đều tăm tắp.

“Người dân làng nghề gói rất nhanh, chỉ vài chục giây là được một chiếc bánh chưng nhưng bánh rất chặt, vừa đẹp vừa đảm bảo độ thơm ngon. Gạo dùng gói bánh được người dân chọn là nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp nhung, đỗ xát hết vỏ, thịt ba chỉ hoặc thịt vai vừa có nạc vừa có mỡ, xắt miếng to rồi tẩm ướp gia vị đầy đủ. Lá dong để gói bánh có bản to, lá tẻ màu xanh mướt, không bị sâu, rách; thường được các hộ làm nghề mua từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang...”, ông Nguyễn Văn Thêm cho biết thêm.

Tại làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, từ rằm tháng Chạp đến Tết ông Công ông Táo và trước lúc giao thừa là thời gian cao điểm nhất. Đơn hàng tới tấp với cả nghìn bánh mỗi ngày. Có lúc không đủ nhân công, nhiều hộ gia đình còn phải thuê thêm người nơi khác làm để kịp giao cho khách.

2. Cùng với việc giữ những “bí quyết” có tính thủ công, người dân làm nghề bánh chưng tại Tranh Khúc cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những năm trở lại đây, nhiều gia đình làng nghề Tranh Khúc đã không còn luộc bánh chưng bằng củi, bếp than mà thay vào đó là các nồi điện cỡ lớn như chiếc thùng phuy hoặc lò hơi. Việc luộc bánh bằng nồi điện và lò hơi đem lại nhiều hiệu quả hơn, vừa đảm bảo được đủ số lượng để “trả đơn” cho khách hàng, vừa giảm được sức người, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không làm ô nhiễm môi trường sống.

Theo chia sẻ của thủ từ Nguyễn Văn Thêm, bánh chưng sau khi được gói sẽ cho vào nồi điện, lò hơi luộc trong khoảng 9 - 10 tiếng. Trong lúc luộc phải thêm nước đúng lúc để bánh không bị nhão. Khi vớt bánh, người dân làng Tranh Khúc rửa qua nước lạnh cho bánh sạch, giúp lá không bị khô và nhàu. Sau đó dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết ra ngoài giúp bánh nở đều, các góc chặt và vuông vức, sau cùng là đóng bao nylon, hút chân không, dán nhãn sản phẩm.

Người dân Tranh Khúc luôn tâm niệm, bánh chưng hội tụ đủ ngũ hành (gạo trắng - Kim, đậu vàng - Thổ, lá dong xanh - Mộc, tiêu đen - Thủy, thịt đỏ - Hỏa), cũng là thứ bánh quốc hồn quốc túy của dân tộc. “Chúng tôi làm nghề này còn phải có cả cái Tâm”, anh Nguyễn Duy Thành chia sẻ. Bởi bánh chưng với người dân Tranh Khúc không chỉ là một sản phẩm thuần túy mà còn là vật phẩm gắn liền với văn hóa, truyền thống và Tết cổ truyền của người Việt Nam. Dẫu làm cả hàng nghìn chiếc bánh trong vụ Tết, nhưng tất cả các công đoạn từ rửa lá dong, ướp thịt, nắm đậu… đều được người dân thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh. Nhờ đó, bánh chưng Tranh Khúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ 15 năm trước.

Rời làng nghề bánh chưng truyền thống Tranh Khúc khi phố thị đã lên đèn, bên tai lữ khách phương xa nghe tiếng tước lá dong, tiếng xì xoẹt thái thịt, cả tiếng xe máy, xe ô tô chở hàng ngàn chiếc bánh chưng thành phẩm và cả nụ cười của người dân làng nghề trong lúc gói bánh dội về. Với người làng Tranh Khúc, Tết đến xuân về như có lễ hội và ngày hội ấy kéo dài từ sáng sớm đến khuya, trong cả tháng Chạp cho tới hết tháng Giêng năm sau…

Phạm Hoa