Đời sống văn hóa

Món ăn ngày Tết lưu trong thơ xưa

Nhà thơ Vũ Quần Phương 14/02/2024 14:47

Ông bà ta thường nói ăn Tết nhiều hơn là chơi Tết. Muốn nói ý chơi thì thường nói là chơi xuân. Nếu coi ngôn ngữ là cái vỏ của ý thức, thì cái vỏ ăn Tết chơi xuân cũng cho thấy cái lõi của ngày Tết là sự ăn. Ôn lại những Tết xưa, để cho đầy đủ phải nói cả ăn, cả chơi. Ăn, thường chỉ ba ngày “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết/ Kiết cú như ta cũng rượu chè” (Tú Xương). Chơi, có thể cả tháng Giêng - “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tết đến, xuân về, xin điểm cái sự ăn, qua thơ Tết của các nhà thơ cổ điển.

5.jpg

Quả thật chả có nhà cổ điển nào dành cả bài trữ tình cho cái sự ăn, trào phúng thì có thể có. Ăn là nội dung chính của Tết. Nhưng làm thơ Tết mà chăm chút kể lể về ăn, e dễ phàm tục. Nguyễn Trãi, những câu hay về xuân Tết là những câu hưởng thụ tinh thần, cảm thụ thiên nhiên. Ấy là đêm giao thừa:

Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua na đắng lỗ tai

Thức, chờ phút giao thừa, nhận thêm tuổi trời, đến cay cả mắt. Đốt pháo trúc xua tà ma nghe đắng lỗ tai. Cay mắt là cách nói của tiếng Việt, đắng tai là Nguyễn Trãi chế tạo ra. Cay đắng đi liền nhau lại mang một ý mới: mỗi năm cay đắng của đời lại qua mắt, qua tai mà vào tâm vào trí Nguyễn Trãi.

Nguyễn Du có thấp thoáng đôi câu ăn Tết, ít lắm. Nhưng có hai câu này đọc lên thấy ấm áp lạ thường, như được sống vào một thời xa, khi thôn xóm làng ta còn nghèo, phong tục lề thói còn chất phác:

Ông già hàng xóm loanh quanh ở miếu đầu thôn
Uống hết nậm rượu, ăn hai quả cam,
say không về

Ông già này không ra đình vốn là nơi tập hợp các bô lão ngày Tết, mà chỉ ra cái miếu nhỏ đầu thôn - một chỗ vui xoàng nhất của làng quê. Món nhắm Tết của ông lão cũng quá chay tịnh, một nậm rượu và hai quả cam. Ấy thế mà cái vui lại rất lớn: say không muốn về.
Thời cận đại, người đưa món Tết vào thơ nhiều nhất là nhà thơ Tú Xương. Ông là nhà thơ cổ điển đầu tiên và cũng là cuối cùng của Việt Nam đưa đời sống dân thành phố vào thơ khá nhiều, khá rõ. Trong bài “Sắm Tết”, ông khoe món mứt lạc có rận của nhà làm (lạc rang nóng, rồi ủ vào tấm áo đụp, rận trong áo nóng quá bò ra, lẫn với lạc và được chế biến luôn thành mứt) như để “khoe” cái nghèo của mình:

Tết nhất năm nay khéo thực là
Một mâm mứt rận mới bày ra

Rồi ông tự quảng cáo, rất kinh tế thị trường, gièm pha cả những đặc sản hạng nhất của thành Nam, và phê phán thói “làm hàng” đầy hài hước:

Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được
Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa
Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt
Lại rưới thêm vào tí nước hoa

Bài “Cảm Tết” mới thật vui. Trong nhà Tú Xương ê hề những món Tết mà ông không có:

rượu, chè, bánh chưng, giò lụa…:
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu

Thế là không có bởi vì chưa muốn có. Thì chưa muốn có sang trọng hơn hẳn cái anh muốn mà không có được. Tú Xương hiểu lắm “Chẳng tội gì hơn cái tội nghèo”, thì tội gì mà than thở.

Nguyễn Khuyến cùng thời với Tú Xương. Cụ sinh trước ông Tú 35 năm (1835 và 1870) và mất sau ông hai năm (1909 và 1907). Đây là hai nhà thơ cổ điển cuối cùng của khoa cử cũ. Thân thế khác nhau, phong vị thơ cũng khác nhau nhưng đều là bậc kiệt xuất. Tú Xương hào sảng, tự nhiên, thơ như “vọt” ra từ bản năng, xuất khẩu thành chương, tác động thẳng vào trực giác người đọc. Thơ Nguyễn Khuyến thâm trầm, chiêm nghiệm, từ tốn thấm vào tâm trí người đọc. Đời sáng tác Nguyễn Khuyến dài, nhiều bài xuất sắc cả Nôm cả Hán. Riêng thơ xuân Tết cụ có nhiều bài ý vị, ký thác tâm sự sâu đằm như trong các bài thơ dạy con hay viết về cảnh sắc quê hương. Viết trong đêm giao thừa mà tìm được ý thơ “Nhất cú liên niên hứng vị cùng” (một câu thi hứng nối liền hai năm) tưởng cũng là một phát hiện, cái trước mắt mọi người mà mấy ai nhìn thấy. Riêng về món ăn ngày Tết, không phải là chỗ tập trung thi hứng của cụ, chỉ nhân tiện mà nói ra, như hai câu ba bốn trong bài “Chợ Đồng”:

Dở giời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông

Ba phiên tất niên chợ làng Vị Hạ ra họp ở ngoài cánh đồng phía Tây làng cho rộng chỗ. Cạnh đó có ngôi đền ba gian, tường đất bao bọc, rượu Tết ở đây. Các bậc cao niên trông coi việc tế tự đình làng ra đây uống nếm, chọn rượu ngon mua về tế lễ. Cái menu Tết trong thơ Nguyễn Khuyến chỉ thoáng và nhẹ thế thôi nhưng quả đã cho thấy phong tục một vùng làng. Với Nguyễn Khuyến, món Tết đầu vị là rượu. Ông từng có câu đối:

Mồng một Tết, mồng hai Tết, mồng ba Tết, ừ Tết
Sáng đã say, trưa lại say, tối cũng say, cho say

Món ăn phổ cập của Tết xưa được nói nhiều trong thơ dân gian có lẽ người bình dân không cần mỹ từ lắm trong khi nói thật cái ước mong thiết cốt của con người được ăn và ăn ngon. “Số cô không giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà” là yên tâm rồi, giàu nghèo không thành vấn đề nữa. Thịt với dân ta thuở xưa mới là món mong ước ngày Tết. Một đôi câu đối lưu truyền nhiều đời và rất phổ cập có lẽ gói gọn được vị Tết bà con ta, cả vật chất lẫn tinh thần đều thanh đạm:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Nhà thơ Vũ Quần Phương