Đời sống văn hóa

Trưng bày tái hiện cuộc đời và đóng góp của các danh nhân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

KT 13:01 06/02/2024

Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa tổ chức trưng bày Khơi nguồn đạo học tại Hậu đường nhà Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

img_9089.jpeg
Trưng bày tái hiện cuộc đời và đóng góp của các danh nhân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: HNM)

Chiều 5-2, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức trưng bày “Khơi nguồn đạo học” tại Hậu đường nhà Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đến dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

Trưng bày sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia làm 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh...

Trưng bày cũng kết nối nội dung với trưng bày Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kết quả nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.

Bên cạnh đó, nội dung trưng bày cũng hướng tới thể hiện các danh nhân không phải dưới góc độ là những vị quân vương mà là những tấm gương mẫu mực.

Trưng bày cũng kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kết quả nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.

Bên cạnh đó, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày sẽ tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu về những đóng góp của họ đối với giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.

Tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: ”Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý biết ơn với những người đi trước đã gây dựng nên những thành quả để lại cho các thế hệ sau này. Trưng bày là dịp để tri ân và tôn vinh công lao đóng góp của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã đặt nền móng cho sự phát triển nền Quốc học, tạo nên lớp lớp trí thức trong xã hội Việt Nam thời quân chủ”.

Trưng bày có sự hỗ trợ chuyên môn từ các nhà khoa học Việt Nam, các chuyên gia đến từ Pháp với phong cách thể hiện mang tính đương đại, trang trọng và bền vững; phương án thiết kế hướng tới tôn vinh chủ đề giáo dục thông qua các hiện vật và các giá trị kết nối cần truyền tải với nội dung gần gũi nhất với công chúng./.

KT