Văn hóa – Di sản

Trở lại với hương vị Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội

Tô Ngọc Oanh 01/02/2024 20:51

Sáng ngày 1/2/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức khai mạc các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024.

Mở đầu là trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện rồng”, giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, qua bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và ứng dụng rồng trong đời sống - mĩ thuật đương đại được thể hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc.

khai-mac.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024.

Với 3 nội dung chính: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; Hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt; Hình tượng rồng trong đời sống đương đại , trưng bày đã truyền tải đến công chúng những ý nghĩa tốt lành, mong ước năm mới Giáp Thìn may mắn, hạnh phúc, sung túc đến mọi nhà.

xam.png
Một số tác phẩm trưng bày tại chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện rồng”. (Ảnh: Đình Trung)

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động mừng xuân mới, Bảo tàng Hà Nội còn tổ chức trưng bày chuyên đề “Phong vị Tết xưa Hà Nội”. Không gian trưng bày gợi lại những phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với Tết cổ truyền dân tộc như: Tục dựng cây nêu; Tục chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; Thú chơi cây cảnh ngày Tết; Pháo Tết; Bánh chưng Tết; Chợ Tết (xưa và nay) qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

kh.jpg
Không gian Tết xưa được tái hiện trong trưng bày "Phong vị Tết xưa Hà Nội".

Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của Bảo tàng là tọa đàm “Phong vị Tết xưa Hà Nội" với sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS. Bùi Xuân Đính, trao đổi về chủ đề: Phong tục chuẩn bị Tết xưa người Hà Nội và TS. Trần Đoàn Lâm, trao đổi về chủ đề: Tục lệ chúc Tết truyền thống.

Tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Xuân Đính đã chia sẻ những thông tin về phong tục chuẩn bị tết Tết Nguyên Đán xưa. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Tết xưa không chỉ gói gọn trong ba ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 tháng Giêng mà còn là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị đầy tâm huyết và kỳ công, nhất là trong việc ăn uống. Điều này giải thích tại sao người xưa thường nói “ăn Tết”.

"Trong số các món ăn truyền thống, bánh chưng là “tâm điểm” của ngày Tết, yêu cầu những nguyên liệu tinh tế nhất như gạo nếp, đỗ xanh và lá dong. Trong hoàn cảnh gian khó và thiếu thốn của ngày xưa, Tết chính là biểu tượng của sự no đủ, khi mọi người dồn hết tâm sức để chuẩn bị, mong niềm vui và ấm no trong những ngày đầu năm mới”, PGS.TS Bùi Xuân Đính khẳng định.

chia.jpg
PGS.TS Bùi Xuân Đính chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đình Trung)

PGS.TS Bùi Xuân Đính cũng nhấn mạnh về những “hệ giá trị” không bao giờ thay đổi của Tết. Tết là sự đoàn viên, Tết là sự no đủ, Tết là sự khoan dung khi mọi mâu thuẫn được hòa giải, mọi người chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và để lại sau lưng những vấn đề cũ. Và quan trọng nhất, Tết là sự tri ân, là dịp để mỗi người biểu hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà...

Bàn về tục lệ chúc Tết truyền thống, TS. Trần Đoàn Lâm cho biết, trong mỗi dịp Tết, mỗi người đều có những mong ước khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và hoàn cảnh của họ. Người già thường mong muốn sức khỏe và hưởng thụ tuổi già an yên, trong khi người trẻ lại hướng tới sự ổn định về kinh tế và những mối quan hệ mới. Mùa xuân, với sự bắt đầu của mọi thứ mới mẻ, cũng là lúc mọi người thể hiện những ước vọng đó qua nghi thức chúc Tết, một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống. Tục lệ chúc Tết không chỉ là biểu hiện của tình cảm, mà còn là cách mọi người chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong hành trình hướng tới một năm mới đầy hứa hẹn và thành công.

pgd.jpg
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ bày tỏ hi vọng, các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024 của Bảo tàng Hà Nội tổ chức sẽ góp phần gìn giữ hương vị Tết xưa truyền thống của người Hà Nội, đồng thời tôn vinh và bảo tồn những giá trị di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc; tạo nhịp cầu nối để thế hệ trẻ trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống./.

Tô Ngọc Oanh