Văn hóa – Di sản

Rộn ràng Tết Giáp Thìn 2024 tại Làng Văn hóa

Quỳnh Chi 18:53 28/01/2024

Những ngày Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, TP. Hà Nội), nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi và đem đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc, vừa để mừng đất nước bước vào một mùa xuân mới vừa góp phần phát triển du lịch Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

tet-1.jpg
Đồng bào dân tộc Khơ Mú tái hiện Tết Mạ Grợ. Đây là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết với con cháu.

Đến với “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam trong lòng Hà Nội thời điểm này, người dân và du khách được hòa vào không gian lễ hội đặc sắc. Đó là chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em”, “Vui Xuân đón Tết cổ truyền” tại không gian làng dân tộc Khơ Mú. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Sông Mã - tỉnh Sơn La tái hiện Tết Mạ Grợ mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết với con cháu.

Lễ cầu may, cầu phúc Mạ Grợ thực chất là Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, thường được tổ chức vào khoảng tháng 11-12 âm lịch hàng năm, là dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đây cũng là một ngày lễ của người Khơ Mú nhằm cầu mong cho các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, tiễn năm cũ đi cùng tất cả nhưng xui xẻo, ốm đau, bệnh tật, mong được đón một năm mới với nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận. Nghi lễ được diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản.

tet-3.jpg
Phần hội rộn ràng với những lời ca điệu múa mang hơi thở mùa Xuân tại Làng Văn hóa những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần.

Nghi lễ tái hiện Tết Mạ Grợ thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản và cầu mong về một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Khơ Mú này đã được tái hiện tại “Ngôi nhà chung”, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa của dân tộc Khơ Mú đến cộng đồng các dân tộc cũng như du khách, đem đến không khí ấm cúng, rộn ràng trong những ngày chuẩn bị đón Tết đến xuân về.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thị xã Sơn Tây (Thành phố Hà Nội), năm 2023 đã có 470.000 lượt khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Cũng những ngày này, tại Làng Văn hóa có hoạt động “Bữa cơm đoàn viên” của các dân tộc, hoặc hoạt động trang trí không gian đón Tết tại không gian làng dân tộc Thái, Mường, Lào, Tày, Dao, Mông, Khơ Mú… với những nét riêng độc đáo và giàu bản sắc văn hóa. Hàng loạt chương trình đặc sắc khác tại “ngôi nhà chung” mang âm hưởng của mùa xuân là trải nghiệm, giao lưu các tiết mục văn nghệ và loại hình nghệ thuật dân gian múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa…

don-tet.jpg
Đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa trang trí nhà cửa đón Tết Giáp Thìn.

Tết về với Làng Văn hóa dân tộc trong những ngày này, các dân tộc tại Việt Nam giới thiệu quy trình làm bánh, gói bánh; du khách trải nghiệm gói bánh, dạy gói bánh truyền thống và nấu bánh tại không gian các làng dân tộc phía Bắc.

Tại các làng ở “ngôi nhà chung” tất bật hoạt động gói bánh chưng hoặc dọn dẹp không gian, trang trí nhà cửa, chuẩn bị các sản vật ẩm thực mừng năm mới. Các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co... cũng diễn ra sôi nổi, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi mừng Tết Giáp Thìn 2024 đã gõ cửa mọi nhà.

banh-chung.jpg
tet-4.jpg
Đồng bào các dân tộc sẽ nấu những món ăn trong những ngày Tết.

Không chỉ được hòa vào không gian văn hóa đa dạng, người dân và du khách tới Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có dịp tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn,… của các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông, Dao; bánh A quát, bánh sừng trâu, bánh ốc sên của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu; thưởng thức hương vị cà phê của dân tộc Ê Đê vùng Tây Nguyên đại ngàn; bánh tét, bánh dừa của dân tộc Khmer ở miền Tây Nam Bộ.

Có thể nói những ngày này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngập tràn sắc xuân và không khí Tết cổ truyền. Qua đó, người dân và du khách cảm nhận không khí Tết trong niềm hứng khởi, đón nhận thêm nhiều niềm tin về năm mới đủ đầy, an vui và hạnh phúc./.

Quỳnh Chi