Văn hóa – Di sản

Nghề làm Nem Lai Vung là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việt Thương 18:02 26/01/2024

Tỉnh Đồng Tháp làm lễ đón nhận Giấy chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Nghề làm nem Lai Vung” và khai mạc Ngày hội nông sản Lai Vung.

tac-pham-dac-san-nem-lai-vung16-10-52-25.jpg
Nghề làm Nem Lai Vung là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (ảnh: vnanet.vn)

Ngày 25/1/2024, tại Trung tâm Văn hóa huyện Lai Vung, UBND huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống "Nghề làm nem" Lai Vung (thuộc xã Tân Thành, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo quá trình hình thành và phát triển nghề làm nem, từ những năm 1960, tại xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bà Nguyễn Thị Mặn (Tư Mặn) làm nghề phục vụ đám tiệc tại địa phương sáng chế món nem từ những nguyên liệu có sẵn.

Với hương vị chua, cay, mặn, ngọt được bao bọc bởi lá vong (hoặc lá chùm ruột) tạo nên hương vị đặc biệt cho nem Lai Vung. Song hành cùng nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề làm nem Lai Vung đã không ngừng cải tiến, phát triển, chinh phục người tiêu dùng, vươn xa ra thị trường. Đến nay, có 11 cơ sở sản xuất nem được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu nem Lai Vung.

Năm 2012, nem Lai Vung được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố. Một số cơ sở sản xuất nem Lai Vung đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao có mặt trong top những mặt hàng quà tặng đặc sản địa phương.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ nem Lai Vung rộng khắp các tỉnh miền Tây, trong các siêu thị Big C, Coop mart với hệ thống chi nhánh trải dài từ Bắc tới Nam, tiêu thụ mạnh nhất là ở Hà Nội và TP HCM.

Nem Lai Vung đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận có giá trị 10 năm cho một số cơ sở sản xuất.

Đồng Tháp hiện có hơn 100 di sản tập trung ở các loại hình như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống và Nghề thủ công truyền thống. Trong đó, có 1 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa Thế giới (Nghệ thuật Đờn ca tài tử), 5 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Hò Đồng Tháp, Nghề đóng xuồng ghe Long Hậu, Nghề dệt chiếu Định Yên, Nghề dệt choàng Long Khánh A, Nghề nem Lai Vung) và 29 di sản đã được đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể./.

Việt Thương