Về Tế Tiêu xem múa rối
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:59, 09/11/2020
Thăng trầm làng rối hơn 400 tuổi
Múa rối là nghệ thuật dân gian truyền thống có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp. Theo các cụ trong làng, rối Tế Tiêu có từ hơn 400 năm trước. Năm 1573, một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về Tế Tiêu khẩn hoang, lập ấp, dạy dân trồng cấy và sáng tạo ra nghề rối. Xưa kia, trò rối thường diễn ra vào mỗi dịp hội làng Tế Tiêu định kỳ tổ chức 3 năm một lần. Trước năm 1945, phường chỉ diễn rối nước, nhưng do thiếu trang thiết bị nên phải đưa lên cạn để diễn cho bà con xem. Từ đó, nghề rối cạn được hình thành ở Tế Tiêu và phường rối chủ yếu diễn rối cạn.
Khác với múa rối nước thường diễn tại thủy đình, múa rối cạn là loại hình điều khiển con rối trên sân khấu cạn - một cái buồng che bằng cót hoặc vải. Ban đầu, phường rối Tế Tiêu có khoảng 5 - 6 người, gồm 2 người diễn, 1 người sắp trò, 1 người đánh trống, 1 người đánh thanh la. Theo Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng, con trai của cố nghệ nhân Phạm Văn Bể - Trưởng phường rối Tế Tiêu, người điều khiển con rối phải có sức khỏe, sự khéo léo để vận dụng linh hoạt chân, tay và nghe nhạc, lời thoại rồi điều khiển con rối sao cho sống động, mang sắc thái biểu cảm, tính cách riêng của từng nhân vật.
Qua nhiều biến thiên lịch sử, đặc biệt là trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, nghề rối Tế Tiêu đứng trước nguy cơ thất truyền. Tuy nhiên, nhờ sự tâm huyết của ông Phạm Văn Bể, phường rối Tế Tiêu dần vượt qua khó khăn và tồn tại đến ngày nay, trở thành môn nghệ thuật dân gian được đông đảo nhân dân và du khách ưa thích.
Phát triển du lịch để bảo tồn
Nghệ nhân Phạm Công Bằng kể: “Từ khi còn nhỏ tôi đã được bố mình thắp lên tình yêu với nghệ thuật múa rối. Ban đầu ông thường kể cho tôi nghe các tích truyện dân gian gắn với từng con rối, sau đó ông hướng dẫn tôi sửa chữa, làm đẹp và cao hơn là tạo hình con rối theo các nhân vật trong truyện dân gian hay các vở chèo, tuồng. Nhờ vậy, tôi gắn bó với nghệ thuật múa rối đến bây giờ”.
Hiện nay, phường rối Tế Tiêu có gần 20 thành viên thường xuyên tham gia biểu diễn tại làng hoặc đi diễn khắp nơi theo lời mời của các địa phương. Nghệ nhân Phạm Công Bằng cho biết, tiền bồi dưỡng cho mỗi buổi diễn chỉ đủ để các thành viên uống nước và chi trả các chi phí khác, nhưng họ đều vui vẻ tự nguyện gắn bó với phường rối. “Mặc dù nghề múa rối cạn không mang lại thu nhập ổn định nhưng các thành viên vẫn hoạt động vô cùng nhiệt huyết bởi rối đã trở thành một phần cuộc sống của họ”, nghệ nhân Phạm Công Bằng nói.
Bà Trần Thị Hương, 60 tuổi, người có 15 năm tham gia phường rối Tế Tiêu chia sẻ: “Chúng tôi gắn bó với phường rối vì muốn bảo tồn môn nghệ thuật dân gian của cha ông. Chỉ cần các cháu nhỏ cười vui hay du khách vỗ tay nhiệt liệt thì đó đã là phần thưởng lớn đối với chúng tôi rồi”.
Với lợi thế nằm trên tuyến đường dẫn đến chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), làng rối Tế Tiêu có nhiều tiềm năng góp phần phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, sinh thái, lễ hội. Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa cho biết: Những năm qua, địa phương đã hỗ trợ, quy hoạch, giải phóng mặt bằng để xây dựng khu thủy đình làm nơi biểu diễn cố định cho phường rối Tế Tiêu. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn nên phải tới năm 2018 nhà thủy đình mới được hoàn thiện. Xã cũng hỗ trợ cho phường rối khoảng 50 triệu đồng mỗi năm để duy trì hoạt động, đầu tư trang thiết bị biểu diễn và bảo tồn, sửa chữa con rối.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, ông Nguyễn Văn Ninh nói: “Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện việc mở rộng khu đất này từ 1.500m2 lên khoảng 5.000m2 và đến năm 2025 sẽ có quy mô khoảng 3,7ha để xây dựng phường rối Tế Tiêu trở thành một điểm du lịch, vui chơi giải trí kết hợp với du lịch sinh thái nhằm phục vụ du khách tham quan tuyến chùa Hương. Cùng với đó, phường rối Tế Tiêu cũng được huyện Mỹ Đức quy hoạch trở thành một địa điểm du lịch học đường, nơi học sinh các trường trên địa bàn huyện và thành phố Hà Nội có thể về xem biểu diễn múa rối cạn và rối nước kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí, tìm hiểu truyền thống văn hóa của địa phương. Hy vọng phường rối Tế Tiêu sẽ trở thành địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn. Đấy cũng là cách để chúng tôi duy trì, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống”.