Tác giả - tác phẩm

Sách Tết Việt bìa phóng tác từ tranh dân gian Đông Hồ, bọc mành tre

Quỳnh Chi 22/01/2024 06:04

Góp vào “bàn tiệc sách Tết” xuân Giáp Thìn 2024, Thái Hà Books và Tạp chí Xưa và Nay vừa xuất bản cuốn sách “Tết Việt”. Đặc biệt, bìa sách được làm từ mành tre và tranh bìa phóng tác từ tranh dân gian Đông Hồ.

tet-viet.jpg
Cuốn sách “Tết Việt” vừa được giới thiệu tới bạn đọc cả nước nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Nội dung hấp dẫn

Theo đơn vị phát hành “Tết Việt”, Tết Nguyên Đán là ngày lễ cổ truyền thiêng liêng, trọng đại, mang nhiều ý nghĩa, là dịp chúng ta cần thể hiện những tập truyền quý báu có màu sắc dân tộc cũng như các dân tộc khác trong dịp Tết của họ. Cuốn sách “Tết Việt” sẽ cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều về Tết từ Bắc vào Nam đến các vùng lân bang Việt Nam thông qua bài viết của các tác giả Vương Hồng Sển, Bửu Kế, Phạm Văn Sơn….

Cuốn sách “Tết Việt” ghi lại những dấu ấn một thời hoạt động sôi nổi của một số sinh viên, trí thức Sài Gòn, đồng thời cung cấp tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà khoa học đang quan tâm nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam.

Trong “Tết Việt”, bạn đọc sẽ có cơ hội cảm nhận hương vị Tết miền Nam qua “Cảm tưởng về Tết trong Nam” của tác giả Vương Hồng Sển. Tuy cùng một gốc nhưng nước Việt ta, Bắc - Nam - Trung, vẫn thưởng Tết không khác nhau: Tết trong Nam mộc mạc không như Tết miền Trung và ngoài Bắc, trước đây giữ nhiều lễ phép và kiêng cữ. Tuy không lạnh lẽo đến có tuyết rơi giá phủ, nhưng Trung và Bắc, có đủ xuân - hạ - thu – đông, bốn mùa phân biệt.

tet-viet-2-.jpg
Cuốn sách “Tết Việt” cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều về Tết từ Bắc vào Nam.

Bạn đọc còn có cơ hội khám phá các nghi lễ triều đình Nguyễn thông qua “Tết Việt” từ bài viết “Nhìn qua các nghi lễ triều đình Nguyễn” của tác giả Bửu Kế. Các nghi lễ của triều đình Huế hoặc tổ chức tại đàn Nam Giao, hoặc tại Tịch Điền, tại các lăng, các chùa, nhưng phần lớn thì ở trong Hoàng thành. Những nghi lễ này ta có thể chia thành hai loại. Một loại có tính cách thường xuyên, tổ chức vào một thời kỳ nhất định, còn một loại có tính cách bất thường, không dự liệu từ trước.

Đó còn là các tục lệ ngày xuân với “Cổ nhân và các tục lệ ngày xuân” của tác giả Phạm Văn Sơn. Theo đó, Ngày 30 Tết, dân đốt pháo. Xưa, người ta đốt pháo ở ngoài cổng, ngoài ngõ hay ngoài sân rồi sửa soạn giết gà giết lợn làm cỗ cúng ông bà luôn ba ngày liền. Mồng 5 Tết, trong cung vua có bày tiệc khai hạ. Từ quan đến dân đều đi lễ chùa, viếng đền đài, vườn hoa và phong cảnh trong địa phương. Tháng Hai, quan cho dựng xuân đài, mướn phường chèo đến hát xướng ca múa cho mọi người cùng dự. Ngoài ra, có đặt các trò chơi công cộng như đánh vật, chọi gà và đánh cầu lấy giải thưởng. Đúng ngày Lập xuân, vua cắt người tông trưởng cầm roi vút vào con trâu đất (thổ ngưu) do mục đích khuyến nông rồi vua quan vui vẻ bước vào cung ăn yến.

Đậm văn hóa Việt

Đặc biệt, cùng với nội dung hấp dẫn, ngoài phiên bản phổ thông, nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 với sự chung tay của “người giữ nghề tranh Đông Hồ” tỉnh Bắc Ninh – nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, “Tết Việt” có phiên bản đặc biệt mang đậm chất dân gian và tinh thần của người Việt.

Bìa sách “Tết Việt” được bọc hoàn toàn bằng mành tre. Đơn vị phát hành sách cho biết, lâu nay, cây tre vẫn luôn gắn bó với người dân Việt Nam. Cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Tre thường được ví như một quân tử mạnh mẽ và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Tre được coi là mang đến sự may mắn và vững chắc trong phong thủy. Ngoài ra, tre được tin tưởng là mang lại sức khỏe, hạnh phúc và tình yêu lẫn thịnh vượng. Có thể nói cây tre vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam và vì thế bìa sách từ mành tre càng thêm phần ý nghĩa.

tet-viet-1-.jpg
“Tết Việt” có phiên bản đặc biệt mang đậm chất dân gian và tinh thần của người Việt.

Bên cạnh đó, hình ảnh bìa sách “Tết Việt” được phóng tác từ tranh dân gian Đông Hồ có tên gọi “Rước Rồng”. Đây là một bức tranh đặc trưng của tranh dân gian Đông Hồ, nó gắn liền với tâm thức về Sự tích “Con Rồng cháu Tiên”. Tranh cho thấy quang cảnh một đám múa rồng trong ngày Hội Xuân. Con Rồng cũng là biểu tượng gần gũi với cư dân của nền văn minh lúa nước ở vùng Đông Á và biểu thị cho cả quyền uy của tự nhiên cũng như trong xã hội.

“Múa Rồng” là một trò trình diễn kết hợp tài khéo (xũ) và sức mạnh (võ) phổ biến trong cư dân ở vùng Đông Á và những nơi có cộng đồng người Trung Hoa. Ở Việt Nam, ngoài “Múa Rồng” còn có cả trò Múa Rắn ở làng Lệ Mật (Gia Lâm) hay Múa Lân (nhất là vào dịp Tết Trung thu)./.

Quỳnh Chi