Chuyển động Hà Nội

Khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Quỳnh Phạm 20:14 20/01/2024

“Thành công của Hội thảo Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, khẳng định.

anhchung.jpg
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa và kỷ niệm chương cảm ơn các diễn giả tham gia Hội thảo.

Như Tạp chí Người Hà Nội đã đưa tin, Hội thảo khoa học “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” đã diễn ra từ ngày 17 - 19/1/2024 tại Hà Nội gồm 4 phiên thảo luận chuyên đề. Thông qua Hội thảo lần này, hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có những ý kiến tâm huyết giúp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh “giải mã” những khó khăn, thách thức trong xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai.

Hệ thống đường sắt đô thị có vai trò, ý nghĩa đặc biệt với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Phát biểu khép lại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 đô thị đặc biệt trong hệ thống đô thị toàn quốc, có quy mô đặc biệt lớn về diện tích, dân số, tốc độ tăng trưởng cao và có vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - đô thị cho cả vùng miền xung quanh. Tại hai thành phố đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

a-tuan-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu bế mạc phiên thảo luận thứ tư Hội thảo khoa học “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt đô thị trong nhiều năm qua đã và đang được quan tâm, chú trọng triển khai thiết lập hệ thống quy hoạch, lập kế hoạch phát triển đầu tư xây dựng nhằm từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng khung đô thị theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, do còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, việc đầu tư phát triển cho hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị còn chậm, cơ chế chính sách và nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nước ta, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, dân số ngày càng tăng, nhu cầu đi lại và số lượng phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, nhu cầu, sức ép đòi hỏi về hoàn chỉnh bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng tăng cao.

“Đối với Thủ đô Hà Nội, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó yêu cầu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm là: tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước”, đồng chí Dương Đức Tuấn, cho biết.

abb.jpg
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đại biểu xem triển lãm ảnh hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố bên lề Hội thảo.

Theo quy hoạch Thành phố Hà Nội có 10 tuyến với tổng chiều dài khoảng 417,8km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,5 tỷ USD, đến nay mới hoàn thành được 13km (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội; để hoàn thành được 404,8 km còn lại trong 12 năm (đến năm 2035) cần bố trí khoảng 37 tỷ USD (khoảng 850.000 tỷ VND) và cần có kế hoạch triển khai thực hiện đồng thời và hệ thống rất lớn các nhà thầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đường sắt đô thị. Thành phố Hà Nội nhận thấy đây cũng là điểm nghẽn, khó khăn rất lớn trong công tác triển khai thời gian tới sẽ phải có những giải pháp mạnh mẽ, kế hoạch, cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù để thu hút nguồn vốn đầu tư và kêu gọi đầu tư.

Cũng như những thành phố/đô thị lớn của các quốc gia trên thế giới như tại Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh qua quá trình phát triển đã sớm xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị có chất lượng và tầm nhìn xa đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được xem như bộ xương sống của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của hai thành phố, và việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng đường sắt đô thị được kỳ vọng không những chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề về ùn tắc giao thông, mà còn thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm thiểu phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có được những đề xuất về chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị

Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị ở các nước phát triển cũng như các nước đã đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có điều kiện tương đương Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống đường sắt đô thị.

a-tuan-2-.jpg
Toàn cảnh một phiên thảo luận chuyên đề thuộc Hội thảo Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân; hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.

Các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung, góp phần xây dựng Thủ đô và Thành phố mang tên Bác trở nên văn minh, hiện đại.

trienlam-1-.jpg
Hội thảo đã giúp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh "giải mã" được nhiều khó khăn, thách thức trong việc xây dựng, thực hiện và phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, kết quả của chương trình hội thảo sẽ là cơ sở cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có được những đề xuất về chủ trương, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi và sẽ là tiền đề tạo ra những kế hoạch, giải pháp vượt trội trong lĩnh vực tái thiết, phát triển đô thị nói chung và hệ thống đường sắt đô thị nói riêng. Đồng thời tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các giải pháp, cách làm hiệu quả, kinh nghiệm đã triển khai thành công từ các nước tiên tiến trên thế giới.

“Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp thu và tiếp tục giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Thành phố khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, thể chế chính sách hiện hành liên quan trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân đã đến tham dự. Xin cảm ơn các đồng chí, cán bộ của các Sở ban ngành thành phố đã tham gia chuẩn bị, tổ chức để Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình đã đến đưa tin, tuyên truyền về Hội thảo”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, nhấn mạnh./.

Quỳnh Phạm