Chuyển động Hà Nội

Giải phóng mặt bằng là then chốt để đẩy nhanh hoàn thiện dự án phát triển đường sắt đô thị

Đình Thế 13:20 18/01/2024

Sáng 18/01, trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” bước vào phiên hội thảo 2 với chuyên đề: Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tham dự Hội thảo có ông Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, Ông Nguyễn Trọng Đông - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Cùng dự có lãnh đạo các Sở, ngành của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia trong nước, quốc tế.

z5082036843336-2be8e7094a5bf0d5dbfbe14cf1c78ebb20240118092600.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông - cho biết, hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng… Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi.

Chuyên đề về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là tiền đề quan trọng làm cơ sở thực hiện đối với các Dự án đường sắt đô thị, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả dự án đầu tư.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nghiên cứu, lựa chọn các tham luận của các diễn giả để trao đổi kinh nghiệm về công tác Bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ban tổ chức mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, khoa học sát với thực tiễn của các quý vị đại biểu. Trên cơ sở các nội dung thảo luận và ý kiến đề xuất các giải pháp, Ban Tổ chức sẽ xây dựng Báo cáo tổng hợp gửi các cơ quan có liên quan để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển đường sắt đô thị trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nói.

Phiên Hội thảo 2 với chuyên đề: Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt đô thị và khu vực TOD, GS.TS Đặng Hùng Võ đã trình bày về cơ chế chuyển dịch đất đai nâng cấp đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng.

0de7491096b63de864a7.jpg
GS.TS Đặng Hùng Võ trình bày tại Hội thảo.

Trong mô hình TOD, chúng ta cần quan tâm tới 2 vấn đề chuyển dịch đất đai: một là đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng nối giữa các “đô thị mắt lưới”, và hai là sự chuyển dịch đất đất đai để tổ chức lại các không gian đô thị tại các “đô thị mắt lưới”. Đối với đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng, cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng là hoàn toàn hợp lý vì đây là các dự án hạ tầng vì lợi ích công cộng không vì mục tiêu lợi nhuận.

Đối với các tuyến đường tàu điện trên cao, việc thu hồi đất không có gì đặc biệt, ở đây có thể đặt thêm vấn đề khai thác không gian dưới các tuyến đường tàu trên cao như thế nào cho có khả năng sinh lợi. Đối với các tuyến đường tàu điện ngầm (Metro), việc thu hồi đất để xây dựng các ga tàu là cần thiết, ngoài ra còn phải xem xét biệc bồi thường thiệt hại cho những thửa đất bên trên đường tàu điện ngầm khi không thể xây dựng nhà quá cao tầng.

Sự thực, pháp luật đất đai cần quy định cụ thể về phạm vi thực hiện quyền bề mặt của mỗi thửa đất để minh bạch phạm vi thực hiện quyền bề mặt và xác định rõ ràng mức bồi thường đối với không gian bên trên và bên dưới thửa đất. Đến nay, luật pháp chưa thống nhất cách tiếp cận cũng là một trở ngại pháp lý cho phát triển đô thị, nhất là các đô thị dạng nén.

GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định, đối với vấn đề đổi mới cách tổ chức không gian đô thị tại các “đô thị mắt lưới”, chắc chắn không thể áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì không thể thu hồi toàn bộ đất của một đô thị hiện hữu. Hơn nữa, cơ chế thu hồi đất làm tăng rất cao chi phí thực hiện, thậm chí không thể tìm chi phí đủ để thực hiện. Mặt khác, áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất là trái với nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW đã giới thiệu ở trên.

Cơ chế “chuyển dịch đất đai” phù hợp nhất tại các “đô thị mắt lưới” chính là cơ chế “góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai” đã được triển khai thành công ở nhiều nước. Vấn đề còn lại là tìm ra lộ trình thực hiện sao cho phù hợp với hiện trạng “đô thị mắt lưới”.

Ở các nước công nghiệp, người ta hay áp dụng cơ chế chính quyền đô thị có một số chức năng độc lập về quyết định phát triển để tạo sức cạnh tranh giữa các đô thị. Trong cuộc cạnh tranh này, chức năng quyết định về đất đai là quan trọng nhất vì đây là nguồn lực duy nhất để phát triển đô thị. Các cư dân của một đô thị trực tiếp bầu ra người đứng đầu đô thị và bầu ra hội đồng đô thị làm cầu nối giữa cộng đồng cư dân và người đứng đầu đô thị.

Phát tiển đô thị theo định hướng của mô hình TOD là một định hướng hoàn toàn đúng, nhưng đi vào thực hiện cụ thể sẽ là cả một quá trình phức tạp. Khó khăn nhất vẫn là nguồn lực tài chính nào để thực hiện và sự đồng thuận của cộng đồng các cư dân đô thị hiện hữu. Đất đai là một nguồn lực chủ yếu để thực hiện, nhưng cơ chế nào để thu các giá trị đất đai tăng thêm do đô thị được nâng cấp mang lại cũng là chuyện rất phức tạp, GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Trường Đại học Việt Đức trình bày một số đề xuất cơ chế quy hoạch, đền bù, và giải phóng mặt bằng cho đề án phát triển đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh.

c48f197dc6db6d8534ca.jpg
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu – Trường Đại học Việt Đức trình bày tại Hội thảo.

Tách khu lớn giao cơ chế quản lý đầu tư riêng - ngoại vi; phân khu chồng lên và đảm bảo điều phối để phối quản các khu vực nhỏ; tổ chức cơ quan điều phối giữa MAUR và các Sở và quận/huyện giải quyết vấn đề liên ngành liên cấp; thành lập các nhóm nghiên cứu thúc đẩy hợp tác, thi tuyển Xây dựng cơ chế thu hồi, thỏa thuận trong hoán đổi, chuyển nhượng, phân bổ chỉ tiêu.

Thành phố được áp dụng cơ chế đóng góp và thu hồi đất, hoán đổi vị trí, chuyển nhượng quyền xây dựng tăng thêm tại các khu vực hưởng lợi từ hạ tầng đường sắt và cải tạo hạ tầng khu vực. Chủ động trong điều chỉnh quy hoạch phân khu, chỉ tiêu và quy chuẩn thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế (VN chưa có). Phạm vi áp dụng cơ chế được xác định từ nghiên cứu, thi tuyển, tham vấn và được thông qua bởi Hội đồng nhân dân Thành phố. Tổ chức bộ máy và cơ chế ủy quyền ưu tiên mua trước để tạo quỹ đất dự trữ, lựa chọn chủ đầu tư khai thác hiệu quả quyền xây dựng tăng thêm. Thành lập quỹ nghiên cứu đầu tư dự án chiến lược, chỉ định thầu các gói tư vấn, tổ chức chuyên môn phối hợp giữa các tỉnh, các cấp, các bên liên quan, ông Hiếu chia sẻ.

06c331d9797ed2208b6f.jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Phiên hội thảo 2 “Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt và khu vực TOD”, các đại biểu, chuyên gia và khách mời đã cùng thảo luận, trao đổi và lắng nghe kinh nghiệm liên quan đến công tác GPMB từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và quốc tế; cùng thảo luận về các vấn đề khó khăn, thuận lợi liên quan đến công tác cơ chế đất đai... Đồng thời, cùng thống nhất quan điểm, công tác GPMB, cơ chế đất đai chính là khâu then chốt mô hình TOD tại các thành phố lớn được phát triển đồng bộ./.

Đình Thế