Sự kiện & Bình luận

Thực hiện TOD tại Việt Nam cần “3 có ”

Quỳnh Chi 19:24 17/01/2024

Thảo luận chuyên đề TOD (phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng) thuộc Hội thảo “Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” ngày 17/1, một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, Việt Nam cần có chính sách, nghị định về các công cụ cho phép thực hiện TOD.

Lợi ích TOD đối với Hà Nội

TS.KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội chia sẻ, phát triển mô hình TOD đối với Thủ đô Hà Nội là cần thiết. Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.359,8 km2 cùng quy mô dân số dự kiến đến năm 2045 khoảng 14,6 triệu người, trong đó đô thị trung tâm 9,2 -10,4 triệu người. Phát triển TOD sẽ giúp Hà Nội giải quyết vấn đề hệ thống hạ tầng, giao thông, môi trường… và chuyển đổi giao thông cá nhân sang giao thông công cộng.

kts-truc.jpg
TS.KTS Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Xây dựng Hà Nội tham luận tại Hội thảo, phiên thảo luận chuyên đề về TOD.

“Lợi ích của TOD đối với Hà Nội chính là tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, xã hội môi trường, giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng; giảm đô thị hóa tràn lan, bảo vệ tài nguyên đất đai, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. TOD cũng nâng cao chất lượng cuộc sống, làm việc, giải trí và chi phí rẻ hơn xây dựng đường sá và các đô thị mở rộng”, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực đánh giá.

TS.KTS Lê Chính Trực nhấn mạnh, phát triển TOD tại Thủ đô Hà Nội thể hiện ở các đặc điểm chính. Đó là phát triển TOD hài hòa với bảo tồn các không gian văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan, khai thác không gian ngầm. Về không gian: khai thác yếu tố hồ ao, mặt nước đặc trưng của Hà Nội gắn với các không gian mở, cây xanh, giao tiếp cộng đồng.

Hà Nội cần chú trọng chỗ đỗ xe 2 bánh nhằm hỗ trợ và mở rộng bán kính TOD. Với khí hậu mưa, nắng nên bố trí đường chéo đi bộ, cây xanh bóng mát, cây xanh trên mái, cầu, hầm đi bộ, tạo môi trường tiện ích tốt cho người đi bộ. Đồng thời Hà Nội phát triển nhà ở dạng shop-house, khai thác các dịch vụ, du lịch… gắn với đi bộ và hoạt động “kinh tế vỉa hè”; tổ chức không gian theo hình thái đô thị từng khu vực.

Đối với khu vực phát triển mới, TS.KTS Lê Chính Trực cho rằng cần phát triển bền vững, đảm bảo mật độ, không gian mở, tạo không gian cộng đồng. Bố trí đủ các công trình công cộng hình thái xã hội gồm: trường học, nhà trẻ, văn hóa theo chỉ tiêu. Bố trí chợ dân sinh gần khu vực ga.

tod.jpg
Kinh nghiệm thế giới về các loại hình hành lang tuyến TOD.

“Ứng dụng công nghệ thông tin, IOT, công nghệ 4.0 trong quản lý vận hành các chức năng khu vực nhà ga đường sắt đô thị và trong khu vực TOD. Phát triển mô hình TOD gắn với đô thị xanh, thông minh và gắn với chương trình phát triển đô thị”, TS.KTS Lê Chính Trực, nhấn mạnh.

"3 có" để thực hiện TOD tại Việt Nam

Tham luận tại Hội thảo, ông Sanaki Shigeyuki - điều phối viên chương trình giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết, TOD là một chiến lược quy hoạch và thiết kế tập trung vào việc tạo ra mô hình phát triển đô thị có các đặc điểm: tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe như là các phương tiện vận chuyển chính, hỗ trợ xây dựng cộng đồng sinh sống sôi nổi, đa dạng và thú vị.

wb.jpg
Ông Sanaki Shigeyuki - điều phối viên chương trình giao thông vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tham luận tại Hội thảo.

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ hoàn thành 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội.

“TOD mang lại cơ hội lớn cho LVC (giá trị gia tăng từ đất) vì phát triển giao thông vận tải làm tăng giá trị đất, bên cạnh đó phát triển giao thông công cộng làm rõ thay đổi quy hoạch, làm tăng giá trị đất”, ông Sanaki Shigeyuki, cho biết. Để thực hiện TOD tại Việt Nam, điều phối viên chương trình giao thông vận tải của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết thêm, cần phải có 3 yếu tố: “tổ chức”, “công cụ” và “thí điểm”.

Cụ thể, “tổ chức” là các Nghị quyết/Quyết định về TOD nhằm định hướng chính sách và thiết lập thể chế. Lực lượng công tác các sở ngành tại thành phố cùng các diễn đàn dành cho Chính phủ, khu vực tư nhân và các học giả hợp tác. “Công cụ” là việc xây dựng luật xác định TOD là định hướng chính sách cơ bản. Xây dựng các luật, nghị định và thông tư về các công cụ cho phép TOD/LVC, ví dụ việc điều chỉnh đất đai, PPP để cùng phát triển, TIF… Cuối cùng là “thí điểm”, ông Sanaki Shigeyuki cho rằng cần lựa chọn tuyến tàu điện thí điểm ở Hà Nội, cho phép các cơ chế đặc biệt đối với TOD/LCV và học hỏi từ việc phát triển thí điểm, thể chế hóa.

“Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần ban hành nghị quyết hoặc quyết định nhằm định hướng chính sách và thiết lập thể chế, xác định TOD là định hướng chính sách cơ bản”, ông Sanaki Shigeyuki phát biểu tại Hội thảo./.

Quỳnh Chi