Hà Nội xưa - nay

Nguyễn Đăng Huân - vị quan thanh liêm kiệm ước

Trần Văn Mỹ 11/01/2024 21:18

Nguyễn Đăng Huân, tên tự là Hy Khiêm, sinh năm Ất Sửu (1805), người xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây; nay là thôn Hương Ngải, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông đỗ cử nhân khoa Mậu Tý (1828) tại trường thi Bắc Thành. Kỳ thi này, lấy đỗ 20 người, thì Nguyễn Đăng Huân đỗ thứ hai.

Tới năm 25 tuổi, Nguyễn Đăng Huân đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829). Sau khi thi đỗ, ông được bổ chức Tri phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Phủ Điện Bàn ngày đó gồm ba huyện: Diên Khánh, Hòa Lạc và Duy Xuyên. Sau đó, ông được điều về kinh đô Huế thăng chức Lang trung bộ Lễ được ít lâu thì mất, năm ấy ông 33 tuổi.

mo-hoang-giap-nguyen-dang-huan.jpg
Khu mộ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân tại làng Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Sách “Đại Nam thực lục”, bộ sử biên niên của triều Nguyễn, do các sử thần ghi chép việc hằng ngày trong cung vua viết: “Đinh Dậu, Minh Mệnh năm thứ 18 (1837), Thự lang trung bộ Lễ Nguyễn Đăng Huân, tước Tri phủ Điện Bàn, tại chức 4 năm, tự giữ thanh liêm kiệm ước và bình tĩnh giản dị thân với dân, nha lại và dân yêu như cha mẹ, gặp khi có tang cha, đưa biếu đều không nhận. Đến khi bổ làm chức ở kinh đô, hộ giá đi tuần phía nam, dân nghe tin đến, đón đường thăm hỏi, nhiều người biếu tiền và vàng cũng không nhận, đến nay chết ở nơi làm quan, trong túi không có gì cả, chỉ có một cái áo rét được thưởng để làm đồ liệm mà thôi”.

“Sớ dâng lên, vua thương tiếc lắm, truy thụ Lang trung bộ Lễ, thưởng cho 100 quan tiền, sai bắt thuyền đưa (thi hài) về quê và thưởng cho 100 quan để nuôi vợ con viên ấy. Lại nghe nói hãy còn mẹ già, thưởng thêm 100 quan tiền và sắc cho quan địa phương thời thường thăm hỏi”.

Hơn 20 năm sau, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), sử quán triều Nguyễn soạn bộ “Đại Nam liệt truyện” “để thuật gốc ngọn trước sau một người” đã viết về Nguyễn Đăng Huân: Ông “tính người thanh liêm cẩn thận, bình dị gần dân, mỗi khi đi thường đi bộ (không dùng cáng), xử đoán hết tình, thường có người kiện về ruộng, trước hết mở bảo (1) cho hai bên biết, rồi chỉ nói một câu là xử đoán xong, hai bên nguyên, bị đều phục; việc khác cũng thế. Coi chức vài năm, người trong quận yêu như bố mẹ. Vì có tang bố xin về, ai đưa đồ tiễn biếu đều khước từ. Sau lĩnh Lang trung bộ Lễ, theo xa giá đi tuần qua hạt cũ, nhân dân đón đường yết kiến, nhiều người đưa biếu tiền lụa, đều không nhận. Rồi chết, túi làm quan vẫn rỗng tuếch, duy có một cái áo mùa đông mới ban cho để khâm liệm. Đại thân (tức Ngự sử đài) đem việc tâu lên, vua rất tiếc nói rằng: “Đáng giận là lúc Đăng Huân sống không có ai đề cử đến, truy thụ cho hàm Lang trung, sai hậu cấp cho gia đình; lại sai quan có chức trách ở địa phương thường hỏi thăm người mẹ. Sau dân Điện Bàn truy nhớ phụ thờ vào Văn từ của bản phủ. Con là Điện do quân công được bổ Tri huyện”.

quan-nghinh-huong.jpg
Quán Nghinh Hương tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Cái chết của ông quan thanh liêm lúc còn rất trẻ đã làm rung động trong triều ngoài nội, và làn sóng ngầm của nó còn làm xúc động muôn dân mãi tận hôm nay. Vẫn theo các sử liệu được ghi chép khá tường tận trong chính sử triều Nguyễn, nhân vua quan luận bàn về Nguyễn Đăng Huân, đã giúp chúng ta hiểu thái độ của vua Minh Mạng trong việc tìm người có đức tài ra coi quan giúp dân.

Sử chép, quan khoa đạo là Nguyễn Tự, Lê Văn Thực làm sớ đem sự trạng (của Nguyễn Đăng Huân) tâu lên và nói: “Quan lại trị dân quý hồ thanh bạch, làm quan thanh liêm ở triều đình, cố nhiên không thiếu người, nhưng tìm được người đặc biệt thì trước có Nguyễn Hữu Hoàng, Tri phủ Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), nay có Nguyễn Đăng Huân, phẩm hạnh tiết tháo không những dân hạt đều biết, mà sĩ phu không ai là không biết, so với người xưa, tưởng chẳng kém gì, xin lượng gia ơn điển, khiến cho người liêm được cảm kích phấn khởi”.

Vua Minh Mạng tới triều, hỏi sự trạng Nguyễn Đăng Huân khi làm quan, Phan Huy Thực đem những điều được nghe biết tâu trả lời. Vua bảo rằng: “Tiếc rằng triều đình mất người hiền lương ấy, nay sao có thể làm cho sống lại ở chín suối được?” Lại hỏi sự trạng Nguyễn Hữu Hoàng, Hà Quyền đem cả đầu cuối tâu lên. Vua bảo rằng: “Thế thời Nguyễn Hữu Hoàng trước đã nêu thưởng rồi”, nhân ngoảnh lại hỏi Trương Đăng Quế rằng: “Ngươi có biết Nguyễn Hữu Hoàng, Nguyễn Đăng Huân không?” Quế thưa rằng: “Tiết tháo thanh liêm của hai người ấy, thần cũng có nghe biết, nhưng người ta giữ được tiết tháo, có khi lúc đầu hơi biết cố gắng, mà về sau không trọn vẹn, cầu được người có trước có sau ít lắm, cho nên tuy hoặc có nghe biết cũng ít khi dám khinh thường tâu lên”.

Vua bảo rằng: “Phàm người ta, tự việc mình làm ra, còn không thể tự tin, huống chi người khác, nếu thấy có việc thực, bèn phải tâu lên, có gì là không nên, sau nếu thay đổi tiết tháo, là hắn tự chịu, há nên đoán trước là sau này không thể giữ được, mà không đề tâu cho để phải bỏ sót người hiền ư?”.

Như vậy là trong 37 năm đầu gây dựng cơ đồ của nhà Nguyễn, đã xuất hiện rất nhiều quan và lại, mà lối hành xử rất công minh, và trí tuệ của họ được dân tin mến, nhưng nổi trội hơn cả vẫn là Tri phủ Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Đăng Huân. Các bộ chính sử của triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam nhất thống chí”, sau khi kể công danh hành trạng đã dùng những câu chữ đẹp nhất để ca ngợi Nguyễn Đăng Huân. Tiếc thay một con người tài cao, đức độ, được vua tin dân mến, là niềm tự hào của quê hương Hương Ngải, của tỉnh Sơn Tây trước đây, sau là tỉnh Hà Tây lại ít được nhắc đến. Ngay trong quyển “Địa chí Hà Tây” dày 900 trang khổ 19 x 27cm, do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây xuất bản năm 2008, cũng không thấy có tên ông.

Mong sao, trong thời gian không xa, hành trạng đức độ của Nguyễn Đăng Huân được bổ sung vào chương trình sử địa phương giảng dạy trong trường học ở huyện Thạch Thất, và tên gọi Tiến sĩ Tri phủ Nguyễn Đăng Huân được đặt cho một trường học của huyện này, và một đường hoặc phố trên đất Hà Nội hôm nay. Chỉ có như thế thì linh hồn “của người hiền lương ấy sẽ được sống lại ở cõi trần này” (Ý của vua Minh Mạng).

----

  • (1) Bảo: chữ cổ chưa rõ nghĩa. Đọc câu này có thể hiểu, khi xử tranh chấp đất đai, ông tìm hiểu tường tận mọi việc, có lý có tình nên cả bên nguyên và bên bị đều thoải mái nghe theo.

Trần Văn Mỹ