Văn hóa – Di sản

Di tích Huế đón 2,28 triệu lượt khách tham quan, doanh thu hơn 350 tỷ đồng

Hương Giang 17:36 06/01/2024

Công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chú trọng triển khai và năm 2023 đón 2,28 triệu lượt khách, doanh thu hơn 350 tỷ đồng.

1.jpg
Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (ảnh: TTBTDT Cố đô Huế).

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 vào chiều ngày 5/1. Đến dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thanh Bình cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành...

Năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 12 dự án và khởi công 4 dự án, hoàn thành công tác đấu thầu đối với 2 dự án và triển khai thực hiện chuyển tiếp 13 dự án. Đến nay, các dự án cơ bản đã hoàn thành và giải ngân gần 224 tỷ đồng (đạt 94% kế hoạch năm) và hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục triển khai các lễ hội cung đình như lễ tế Xã Tắc, Nam Giao, lễ tế ở đàn Âm Hồn và phối hợp tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát tại lăng chúa. Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như Nhã nhạc, múa cung đình, tuồng cung đình… Xây dựng hồ sơ lễ hội điện Huệ Nam đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng hồ sơ Cửu đỉnh đề nghị công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thực hiện công tác Khảo cổ học các di tích lầu Đức Hinh (lăng vua Thiệu Trị), Văn Miếu để làm tiền đề, cơ sở khoa học cho việc trùng tu các di tích.

Năm 2023, tổng lượng khách đến tham quan di tích Huế là 2,28 triệu lượt (khách quốc tế đạt 1,032 triệu lượt và khách Việt Nam đạt 1,257 triệu lượt) và tổng doanh thu hơn 350 tỷ đồng (tăng 151,0 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022) đạt 140,0% so với kế hoạch giao. Tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật, sự kiện để lại nhiều dấu ấn như chương trình biểu diễn Lễ Ban Sóc, các hoạt động biểu diễn trong dịp Tết Nguyên Đán, Lễ dựng Nêu và hạ Nêu, chương trình “Hương xưa bánh Tết”… Tham gia vào chương trình khai màn cho chuỗi Festival bốn mùa năm 2023 và chương trình Khai mạc Festival nghề truyền thống Huế 2023…

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục vụ hướng dẫn, thuyết minh gần 100 đoàn khách là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn ngoại giao, hội nghị, các đoàn khách của tỉnh và các cơ quan đến thăm, làm việc tại di tích Huế. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Huế xây dựng chương trình giáo dục “Di sản học đường” năm 2023 và đã hướng dẫn 25.184 lượt với 263 đoàn (trong đó có 23.286 học sinh và 1.898 giáo viên).

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế. Đồng thời, đưa di sản văn hóa thành lợi thế cho sự phát triển, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân Huế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản, sự quan tâm các tầng lớp xã hội và nhân dân cả nước đối với di sản văn hóa truyền thống.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang nỗ lực hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình quản lý phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế nhằm phát huy tối đa các thế mạnh, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Trong năm 2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ được giao hàng năm, góp một phần công sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng đô thị Di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tích cực nỗ lực đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đánh giá cao trong việc phối hợp thực hiện các chương trình, sự kiện để quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian qua, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3.jpg
Phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tại hội nghị (ảnh: TTBTDT Cố đô Huế).
4.jpg
Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023 được khen thưởng (ảnh: TTBTDT Cố đô Huế).

Thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị các cấp để tập trung nguồn lực xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh, năm 2024 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần tiếp tục triển khai quy hoạch để bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản cố đô Huế. Tìm các giải pháp để khai thác các giá trị để tạo ra sản phẩm, các hoạt động du lịch dịch vụ phục vụ du khách. Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải có kế hoạch chi tiết và cụ thể để tổ chức các hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản Cố đô Huế, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên - Huế trên trường quốc tế…

Hương Giang