Di tích Thành cổ Vinh chuẩn bị được tôn tạo lại
Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành quyết định số 4512/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh.
Cụ thể, tại Quyết định số 4512/QĐ-UBND, ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh. Lý do điều chỉnh được nêu cụ thể như sau:
Bảo tồn Di tích Thành cổ Vinh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 588.QĐ/UB ngày 07/02/2002; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 4312/QĐ.UBND-CN ngày 01/10/2008. Đến nay, dự án đã triển khai đầu tư xây dựng hào thành cổ và hệ thống đường giao thông xung quanh hào thành cổ.
Quá trình triển khai thực hiện, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất tái định cư, tái định doanh gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư xây dựng các khu chức năng mới theo quy hoạch được duyệt không thể thực hiện được.
Mặt khác, theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phường Cửa Nam, thành phố Vinh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4386/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 thì hệ thống đường giao thông, quy hoạch sử dụng đất... tại khu vực có thay đổi dẫn đến nội dung đồ án Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh không còn phù hợp.
Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện quy hoạch và khai thác hiệu quả quỹ đất tại khu vực, cần phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh để xác định lại phạm vi ranh giới một số khu chức năng, bổ sung một số khu chức năng mới cho phù hợp với quy hoạch phân khu phường Cửa Nam đã được phê duyệt, đồng thời tổ chức lại không gian kiến trúc cảnh quan khu vực nhằm phát triển khu thành cổ thành địa điểm du lịch văn hóa lịch sử của thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung để làm cơ sở triển khai thực hiện”.
Nội dung quy hoạch xây dựng nêu rõ tính chất, chức năng là Khu bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử thành cổ Vinh kết hợp du lịch di sản đô thị, thương mại dịch vụ, thể dục thể thao và là nơi cư trú của một bộ phận dân cư kết hợp thương mại dịch vụ; có quy mô diện tích khoảng 39,75ha (được giới hạn bởi hào thành cổ).
Cơ cấu phân khu chức năng và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan gồm: Khu văn hóa, lịch sử bao gồm 9 di tích đã được xếp hạng theo Quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998 của Bộ Văn hóa và Thể thao (giữ nguyên tại các vị trí hiện có và khôi phục lại). Cụ thể: Cổng tiền, cổng tả, cổng hữu; bia dẫn tích, đài tưởng niệm Bác Hồ; bốt gác; bờ Thành phía Đông Bắc; hố bom; bờ thành phía Bắc; bờ thành phía Nam; hào thành. Công trình bảo tàng gồm: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An được giữ nguyên tại vị trí hiện có. Quảng trường có diện tích 7.222,67m2 được bố trí tại trung tâm thành cổ, phía Nam đường Đào Tấn với chức năng chính phục vụ tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, thể thao lớn của thành phố.
Khu cây xanh, thể dục thể thao, bao gồm 4 vị trí khu cây xanh với tổng diện tích 15.667,69m2. 3 vị trí công trình thể dục thể thao được giữ nguyên tại các vị trí hiện có, bao gồm: Sân vận động, nhà thi đấu, các sân tập ngoài trời, trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao với tổng diện tích đất 55.978,82m2, mật độ xây dựng tối đa trong khu vực có xây dựng công trình 40%, tầng cao 3 tầng.
Khu thương mại dịch vụ gắn với du lịch gồm 2 vị trí, tổng diện tích đất 10.839,32m2, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao từ 1-2 tầng, trong đó: Vị trí 1 được bố trí phía Nam đường Đào Tấn, phía Đông Quảng trường trung tâm, diện tích 6.084,33m2; vị trí 2 được bố trí phía Đông sân vận động, diện tích 6.341,73m2.
Khu nhà ở, bao gồm nhà ở hiện hữu và nhà ở mới (tái định cư) với tổng diện tích đất 110.914,58m2. Trong đó, khu ở hiện hữu từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực nhằm đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho người dân. Đối với các khu tập thể cũ sẽ được quy hoạch lại để phục vụ tái định cư tại chỗ (khu vực phía Bắc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh) với tổng diện tích đất 88.871,90m2, mật độ xây dựng tối đa khu dân cư hiện hữu 60%, mật độ xây dựng tối đa khu tái định cư tại chỗ 100%, tầng cao tối đa 3 tầng.
Bố trí 6 bãi đậu xe phục vụ nhu cầu thăm quan, du lịch, thương mại - dịch vụ, thể dục thể thao và đời sống của người dân. Ngoài ra bãi đỗ xe được bố trí trong từng công trình dịch vụ công cộng với tổng diện tích đất 9.204,37m2.
Về thiết kế đô thị, các công trình điểm nhấn bao gồm: 3 di tích cổng thành (cổng tiền, cổng tả, cổng hữu) là những điểm nhấn chủ đạo trên 3 hướng tiếp cận; Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An được tổ chức hợp khối, chiều cao 3 tầng nằm trên trục trung tâm của khu vực; Công trình sân vận động kết hợp với Quảng trường và Di tích Bác Hồ về thăm quê sẽ có sự liên kết tạo thành điểm nhấn chính tạo sức hút về du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí và không gian cảnh quan.
Về hình thức kiến trúc, xác định giữ nguyên kiến trúc hiện trạng các công trình di tích; phục dựng nguyên trạng công trình với các công trình bảo tồn; công trình bảo tàng tổ chức theo hướng hợp khối, hiện đại; công trình nhà ở yêu cầu có kiến trúc liên kết với cảnh quan chung của khu vực, hình thức mái dốc hướng đến tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện môi trường.
Nguồn vốn thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh được xác định từ nguồn ngân sách của thành phố Vinh và các nguồn xã hội hóa khác./.