Chuyển động Hà Nội

Chàng kỹ sư 9X khởi nghiệp với mô hình trồng nho hạ đen

Thanh Bình 08:19 03/01/2024

Trong số 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương mới đây, có một chàng trai trẻ đến từ thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Đó là anh Hoàng Văn Cương, 27 tuổi, một kỹ sư nông nghiệp “bỏ phố về quê” khởi nghiệp với mô hình trồng nho hạ đen.

Duyên đất, duyên cây

Tốt nghiệp THPT, Hoàng Văn Cương thi vào trường Đại học Nông lâm Bắc Giang. Ban đầu Cương đăng ký học chuyên ngành thú y nhưng sau một năm học đại cương anh chuyển hướng sang học khoa học cây trồng.

Năm 2019, sau khi học xong đại học, Hoàng Văn Cương trở thành nhân viên marketing của một công ty phân bón lá, tiếp đó là công ty thuốc bảo vệ thực vật ở Bắc Giang. Trong một lần đi làm, tình cờ qua một vườn nho trên địa bàn tỉnh, Cương tò mò vào tìm hiểu.

Hoàng Văn Cương chia sẻ, sở dĩ anh tò mò là vì hồi học năm thứ 2 đại học anh là một trong số sinh viên được chọn giúp việc cho chuyên gia trong chương trình hợp tác giữa Đại học Nông lâm Bắc Giang với Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) về chuyển giao giống cây trồng.

1.hoang-van-cuong.jpg
Kỹ sư Hoàng Văn Cương bên vườn nho hạ đen.

“Khi ấy chúng tôi cũng đã được làm quen với những giống cây mới là nho và dưa lưới. Và trong quá trình trồng thực nghiệm, tôi cũng đã thưởng thức quả nho hạ đen - một giống nho có xuất xứ từ Nhật Bản sinh trưởng khỏe, thịt quả giòn, có mùi thơm dịu và đặc biệt không có hạt. Bởi thế nhìn thấy vườn nho ở đây tôi rất tò mò muốn xem chất lượng nho trồng ở nước mình ra sao. Thế nhưng khi mua để ăn thử thì tôi thấy rất khác biệt, vẫn là giống nho đó nhưng quả chua, vỏ dày, không có màu tím đẹp, ăn xong lại ngứa cổ. Và tôi băn khoăn mãi về sự khác biệt này, có lẽ là do cách chăm sóc?", Hoàng Văn Cương chia sẻ.

Cũng từ đây Cương nhen nhóm ý định trồng thử loại nho này vì anh đã có chút ít kinh nghiệm. Được người yêu ủng hộ, anh vay tiền mua 140 cây giống và mượn một sào đất của bố vợ tương lai ở Hữu Lũng, Lạng Sơn để trồng thử nghiệm. Cứ cuối tuần sau khi xong việc ở Công ty anh lại từ Bắc Giang về Lạng Sơn chăm sóc vườn.

Những gian nan cũng bắt đầu thử thách chàng trai trẻ từ đây. Do bón phân chuồng chưa hoai mục, tất cả cây anh trồng từ một tháng trước đồng loạt thối rễ. Để phục hồi lại rễ cho cây, Cương hì hụi đào hết từng gốc để trồng lại. Vừa cứu xong được rễ cây thì anh lại đau đầu nghĩ cách khắc phục nho xoăn lá rồi làm sao để cây phát triển, ra hoa, đậu quả…

thgethb5ey.jpg
Vườn nho hạ đen của Hoàng Văn Cương tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Và cuối cùng, những nỗ lực của Cương cũng đã được đền đáp. Hơn 200 kg nho đã được thu hoạch từ lứa quả đầu tiên bán được 30 triệu đồng giúp Cương trang trải nguồn vốn vay ban đầu và tiếp cho anh thêm quyết tâm động lực để khởi nghiệp với giống nho hạ đen. Và một điều khiến Cương vô cùng hạnh phúc đó là chất lượng quả nho đã đúng như anh kỳ vọng: tím mọng, tròn căng, vị ngọt đậm.

Khởi nghiệp cùng nho

Thời điểm xin nghỉ việc ở Bắc Giang về quê khởi nghiệp cũng là lúc Cương nhận thông báo trúng tuyển Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam. Thế nhưng thay vì lựa chọn đến làm việc ở cơ quan nhà nước như kỳ vọng của gia đình và mơ ước tuổi trẻ của mình, anh lại quyết định về quê lập nghiệp.

“Bố mẹ tôi giận lắm, nhưng rất may là vợ tôi lại ủng hộ, vậy nên tôi có thêm động lực”, Cương bộc bạch.

Cuối tháng 1/2021, Cương đánh liều sang xã bên (thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) thuê hơn 1ha đất trồng nho. Không có tiền thuê đất anh thuyết phục chủ đất cho thuê cuối năm sẽ trả. Còn tiền mua cây giống, làm giàn và trả nhân công, anh nhờ bố mẹ vợ vay giúp. Vì vốn không nhiều, anh chỉ dám trồng nho trên ⅓ diện tích đất thuê, còn lại anh trồng dưa lê Hàn Quốc cùng một số rau củ khác để lấy ngắn nuôi dài.

Nhưng khó khăn lại tiếp tục thử thách Cương, hơn 100 gốc nho bị đánh trộm, tiếp đó vì anh chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc diệt cỏ gấu xong thì lại gặp mưa nên thuốc ngấm xuống đất khiến số cây còn cũng gần như chết hết. Không nản chí Cương vay mượn thêm và dồn cả số tiền bán dưa để mua cây giống trồng lại một lần nữa.

Lứa nho trồng lại cuối năm cho thu hoạch hơn 3 tạ quả, nhưng vẫn không đủ để trang trải tiền thuê đất. Cương lại xin khất nợ. Lần trồng tiếp theo những tưởng thành công thì anh lại gặp phải sự cố do đường thoát nước trong vườn vô tình bị một công trình xây dựng gần đó chặn lại khiến nho ngập nước quả rụng hàng loạt, mất khoảng hơn 2 tấn.

Thất bại liên tiếp đã cho Hoàng Văn Cương những bài học đắt giá. Rút kinh nghiệm từ cách sử dụng thuốc không đúng cách, anh thử nghiệm các loại phân vi sinh và thuốc phòng chống sâu bệnh để tìm ra loại thích hợp nhất với giống nho hạ đen, tính toán lượng nước bơm lên hệ thống tưới tự động sao cho vừa đủ đồng thời tìm cách khắc phục việc ngập úng mỗi khi mưa lớn bằng cách đánh luống cao và làm lại hệ thống thoát nước cho ruộng… Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng nho, trước khi thu hoạch khoảng 2 tháng, anh dùng hoàn toàn các chế phẩm sinh học hữu cơ để chăm bón.

Với quy trình chăm sóc được đúc rút sau nhiều lần thất bại, 900 gốc nho trồng mới từ giữa năm 2022 cho thu hoạch vụ đầu được 1,4 tấn giúp anh trang trải bớt tiền thuê đất, tiền vốn vay. Tự tin với kỹ thuật chăm sóc cây, Cương mở rộng thêm diện tích trồng nho trong vườn lên ⅔ diện tích đất thuê. Bên cạnh đó anh còn góp vốn bằng việc hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật cho một số chủ vườn tại nhiều địa phương như: Quốc Oai, Đan Phượng, Phú Xuyên (Hà Nội); thị xã Duy Tiên (Hà Nam); Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Nghệ An. Hiện nay Cương đã chuyển giao kỹ thuật cho 9 nhà vườn với diện tích lên tới 7 hecta.

“Nếu không có “sự cố” thì trung bình mỗi 1ha cho thu hoạch khoảng 10 tấn nho/năm. Với giá 150.000 đồng/kg sẽ cho lãi từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác”, Cương tiết lộ.

Về đầu ra cho sản phẩm, Cương cho hay sau khi thu hoạch anh thường gửi mẫu đi test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khi được chứng nhận an toàn anh mới tự tin bán tới người tiêu dùng. Cũng bởi thế mà sản phẩm nho hạ đen của Cương có đến đâu là được tiêu thụ hết đến đó.

Từ đôi bàn tay trắng khởi nghiệp tại quê hương, với sự chăm chỉ, kiên trì cùng tinh thần học hỏi, sáng tạo và quyết tâm của tuổi trẻ, Hoàng Văn Cương đã có được những thành công bước đầu. Thành công ấy cho anh cơ hội để tạo việc làm cho người dân địa phương; giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định, làm giàu ngay trên quê hương mình và đặc biệt đã giúp anh lấy được niềm tin từ gia đình, người thân.

“Mẹ tôi từ chỗ phản đối gay gắt khi con về quê lập nghiệp giờ đã mở lòng hơn, khi tôi thiếu tiền trả nhân công mẹ xoay xở vay mượn giúp, mỗi khi tôi vắng nhà mẹ chủ động ra vườn tưới nước, bón phân cho nho”, Cương bộc bạch trong niềm hạnh phúc.

Năm 2022, anh được tôn vinh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu. Đó là niềm vui, là động lực để giúp Cương tự tin bước tiếp...

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, Hoàng Văn Cương cho biết anh đã đặt ra mục tiêu ngắn hạn cho mình đó là tiếp tục mở rộng thị trường (nhân rộng mô hình trồng nho hạ đen ra nhiều tỉnh thành); mở rộng thêm diện tích trồng nho; đa dạng hóa sản phẩm (ngoài trồng nho hạ đen sẽ phát triển thêm giống nho sữa của Nhật Bản); xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; thay đổi cách đóng gói, thiết kế bao bì chuyên nghiệp. Và mục tiêu dài hơi của Hoàng Văn Cương đó là trong tương lai không xa sẽ đưa sản phẩm nho của người Việt có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Khó khăn thì cũng vẫn bộn bề với anh bởi nhân công địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm; nguồn vốn mới bắt đầu gây dựng; thêm nữa do ảnh hưởng của thời tiết, chất lượng nho cũng chưa được đồng nhất… nhưng với trải nghiệm của bản thân, sự kiên trì chăm chỉ và ý chí quyết tâm của tuổi trẻ hi vọng Cương sẽ đạt được những mục tiêu, dự định mà anh mong muốn./.

Thanh Bình