Chuyển động Hà Nội

5 kế sách để Bãi Giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa, phát triển bền vững

Trung Kiên 01/01/2024 07:57

Nhóm kiến trúc sư Nguyễn Lâm, Phan Bảo An, Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Khánh Chi đề xuất 5 giải pháp để đưa khu vực bãi nổi giữa (Bãi Giữa) và ven sông Hồng thành công viên văn hóa, đa chức năng điển hình và hướng đến phát triển bền vững.

Các chuyên gia kiến trúc cho rằng, trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển đô thị, yếu tố công viên đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kết nối giữa con người với thiên nhiên và môi trường đô thị, góp phần nâng cao cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe tinh thần của người dân, góp phần đa dạng sinh học và khả năng phục hồi khí hậu do tác động của việc chỉnh trang, phát triển đô thị gây ra.

song-hong.jpg
Người dân tham gia hoạt động vui chơi giải trí tại Bãi Giữa sông Hồng (Hà Nội) .

Bãi nổi giữa và ven sông Hồng là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên. Việc định hướng phát triển khai thác tiềm năng thiên nhiên vốn có của bãi nổi - giữa và ven sông Hồng để góp phần nâng cao cải thiện chất lượng cuộc sống người dân thành phố Hà Nội là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết.

Đề xuất giải pháp trong công tác quy hoạch, thiết kế Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng, góp phần phục vụ phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại và mỹ quan hơn, nhóm kiến trúc sư Nguyễn Lâm, Phan Bảo An, Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Khánh Chi đã đề xuất 5 giải pháp.

Thứ nhất là thích ứng biến đổi khí hậu trong thiết kế công viên. Giải pháp này cần có yếu tố tích hợp và bền vững. Sử dụng cây xanh địa phương, hệ thống cây xanh để tạo cảnh quan xanh mát, giữ ẩm có khả năng chống ngập lụt để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thiết kế không gian mở và hệ thống thông thoáng để giảm nhiệt độ và tạo không khí trong lành. Thiết kế công viên không chỉ là không gian giải trí mà còn xây dựng mô hình hướng đến tạo lập một cộng đồng đô thị có khả năng thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu.

Thứ hai, bảo tồn và kế thừa văn hóa trong thiết kế công viên. Thiết kế không gian có thể truyền tải được những nội dung, tư tưởng, lối sống, phong tục tập quán của người dân Hà Nội thể hiện qua các hoạt động văn hóa có giá trị như các hoạt động lễ hội truyền thống, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sản xuất truyền thống. Như tổ chức các sự kiện văn hóa, các lễ hội, các chương trình văn hóa trong công viên cũng là một trong những cách khai thác yếu tố văn hóa truyền thống hiệu quả, tạo nhiều không gian mở, hài hòa với thiên nhiên, áp dụng phong cách vườn công viên truyền thống.

ab.jpg
Mô hình mẫu công viên Yanweizhou có diện tích 26 ha nằm ở trung tâm thành phố Kim Hoa, Trung Quốc có chức năng kết nối 2 bờ sông, được nhóm kiến trúc sư đưa ra để chúng ta có thêm giải pháp thiết kế Bãi Giữa và ven sông Hồng (Hà Nội) thành công viên văn hóa.

Đối với các công trình kiến trúc khi xây dựng công viên cần sử dụng màu sắc hài hòa, khuyến khích sử dụng các vật liệu địa phương trong thiết kế kiến trúc công trình, sử dụng hình thức kiến trúc dân gian truyền thống, chi tiết trang trí truyền thống, sử dụng vật liệu truyền thống từ thiên nhiên, có màu sắc công trình gần gũi với thiên nhiên và đặc biệt là các sản phẩm phù hợp, bền vững với điều kiện khí hậu, thời tiết.

Chủ đề, màu sắc và tiện ích trong công viên là thống nhất và xuyên suốt trong quá trình thiết kế nhằm góp phần tạo nên một môi trường mang tinh thần văn hóa, đậm đà bản sắc văn hóa người Hà Nội. Thiết kế xây dựng các tiện ích như nhà hàng, quán café, khu vui chơi cho trẻ em, phòng tập thể dục để tạo ra không gian đa dạng và thu hút đối tượng sử dụng đa dạng.

Thứ ba là sự đa dạng, hòa nhập ở mọi lứa tuổi trong thiết kế công viên. Theo các chuyên gia về kiến trúc, chúng ta cần chú ý đến việc thiết kế các khu vực mang tính giáo dục cao như bố trí các bảng hướng dẫn, trang thiết bị học tập và các hoạt động giáo dục về môi trường và lịch sử của khu vực. Xây dựng sân khấu ngoài trời và không gian cho các sự kiện nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa. Chú trọng áp dụng xu hướng thiết kế sân chơi tự nhiên hoặc sân chơi phiêu lưu vào xây dựng công viên, nhằm phát huy thể chất, trí tuệ và sự sáng tạo ở trẻ em.

Ngoài ra, với người lớn tuổi cũng cần tạo ra các chương trình, sự kiện nhằm thu hút họ tham gia hoạt động thể chất, tham gia các hoạt động thăm quan và thư giãn, tìm kiếm các tương tác xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận. Đối với các cá nhân là người khuyết tật cũng cần chú ý, thiết kế các không gian, tiện ích sử dụng thuận lợi và dễ dàng.

Thứ tư, để công viên trở nên sáng tạo hơn thì việc áp dụng các công nghệ thông minh hơn là một trong những tiêu chí không thể thiếu, để tạo ra một không gian sáng tạo, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Công nghệ thông minh như hệ thống chiếu sáng tự động, ứng dụng di động hướng dẫn tham quan và tìm kiếm thông tin, cùng với các giải pháp bền vững như hệ thống thu gom nước mưa, sử dụng vật liệu tái chế và xây dựng hệ thống cây xanh đa dạng, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa sự sáng tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Sự kết hợp linh hoạt giữa sự thông minh và bền vững không chỉ nâng cao trải nghiệm cho người dùng mà còn góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng đô thị phát triển và bền vững.

song-hong2.jpg
Thời gian qua, khu vực bãi giữa sông Hồng đang trở thành điểm vui chơi, giải trí, thư giãn của rất nhiều người dân trong những ngày nghỉ và ngày lễ.

Việc tổ chức thiết kế công viên là khu vực công cộng với công nghệ kết nối được tích hợp khắp không gian ngoài trời bằng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm cải thiện trải nghiệm của người dân khi họ tham gia các hoạt động, tối đa hóa tiện ích và an toàn cho người dân, đồng thời giúp quản lý công viên hiệu quả hơn.

Vì vậy, cần xem xét tổ chức các không gian công viên gắn với các hoạt động và sử dụng khoa học công nghệ tương ứng với ba tính năng chính là: (1) Nhận thức; (2) Kết nối, thiết lập mạng để kết nối các hệ thống và phòng ban của công viên; (3) Trí thông minh là tập trung vào các hệ thống quản lý tự động với khả năng tích hợp và phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định sáng suốt.

Thứ năm là đầu tư xây dựng, quản lý vận hành theo hướng bền vững, lâu dài. Các kiến trúc sư cho rằng, không chỉ thiết kế xây dựng một công viên đẹp mắt, thông minh, tạo nên một không gian sống bền vững và gắn kết cộng đồng xung quanh mà vấn đề đặt ra là vốn kinh phí để đầu tư xây dựng, sau đó khi xây dựng hoàn thiện xong, giải pháp vận hành, quản lý, bảo trì trong thời gian dài.

Vì vậy chúng ta cần tìm kiếm sự hỗ trợ doanh nghiệp địa phương để họ có thể đóng góp tài chính hoặc nguồn lực khác cho việc xây dựng và duy trì công viên. Chúng ta cần xây dựng các chính sách nhằm huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nguồn lực xã hội; Quản lý và tạo được môi trường an toàn, an ninh, lành mạnh, thoải mái... cho mọi người sử dụng nhất là khai thác hiệu quả các khu chức năng, các không gian trong công viên đảm bảo phục vụ cho mọi đối tượng sử dụng, với chất lượng dịch vụ tốt. Đồng thời chúng ta cũng tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và quản lý công viên bằng các hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến, đào tạo nâng cao năng lực và khả năng nhận thức của người dân, gắn trách nhiệm, quyền lợi cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch, thiết lập ban đại diện cộng đồng như thực hiện điều tra xã hội học khuyến khích cộng đồng tham gia góp ý kiến cho công tác xây dựng và quản lý.

Nếu thực hiện đồng loạt các giải pháp như vậy, công tác xây dựng, quản lý và vận hành mới đảm bảo được tính bền vững và lâu dài./.

Trung Kiên